Lạm phát lõi trong khu vực đồng tiền chung châu Âu lập kỷ lục trong tháng 3/2023, như vậy đây có thể coi như thách thức với người đứng đầu các ngân hàng trung ương khu vực sau khoảng thời gian họ đã nâng lãi suất lên ngưỡng rất cao. Đồng thời nó làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực tài chính và gây ra nhiều hậu quả tệ hại trong nền kinh tế.
Theo Wall Street Journal, số liệu mới công bố khiến thêm nhiều thành viên thị trường dự báo về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng lãi suất chủ chốt trong tháng 5/2023. Đồng thời nó cũng có thể khiến cho chính phủ các nước buộc phải tính đến các lựa chọn thay thế nhằm hạ nhiệt giá cả.
Cụ thể, Cơ quan Thống kê châu Âu công bố chỉ số giá tiêu dùng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 3/2023 cao hơn đến 6,9% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm đáng kể so với mức 8,5% ghi nhận vào tháng 2/2023 và thấp nhất trong vòng hơn 1 năm. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal đã dự báo về mức giảm xuống 7,1%.
Lạm phát thường niên tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng cao có nguyên nhân trực tiếp từ việc giá năng lượng tăng mạnh. Trong năm vừa qua, giá năng lượng tại châu Âu tăng mạnh sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, tuy nhiên từ đó đến nay lạm phát đã giảm trở lại.
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát lõi, không tính đến giá thực phẩm và năng lượng vốn có nhiều biến động tăng lên mức 5,7% từ ngưỡng 5,6%, cao nhất từ khi các chỉ số bắt đầu được tính toán vào năm 2001. Người đứng đầu các ngân hàng trung ương thường tập trung vào chỉ số lạm phát lõi để có thể xem xét về việc liệu lãi suất tăng cao có làm dịu lạm phát bởi nó phản ánh tốt hơn cân bằng cung – cầu trong nền kinh tế.
“Thực tế mới củng cố cho quan điểm của chúng tôi rằng ECB sẽ vẫn nâng lãi suất trong những tháng tới bất chấp những nỗi lo về ổn định tài chính”, chuyên gia kinh tế tại HSBC nhận định.
Trong nỗ lực cân đối đến biện pháp chính sách tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tính toán đến việc khả năng căng thẳng leo thang trong hệ thống ngân hàng châu Âu. Các yếu tố gây sức ép trên sẽ có thể làm trầm trọng thêm tác động từ việc nâng lãi suất lên hoạt động tín dụng, nó sẽ dẫn đến tín dụng cho doanh nghiệp và hộ gia đình sụt giảm trầm trọng hơn tính toán của ECB trước đây.
Diễn biến mới nhất không khỏi tạo ra thêm căng thẳng trong hệ thống ngân hàng khi mà ngân hàng Credit Suisse Group AG, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các bê bối và thiệt hại từ hoạt động kinh doanh, chịu rất nhiều sức ép của thị trường. Giới chức Thụy Sỹ đã yêu cầu ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse. Vụ tiếp quản này xảy ra sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank tại Mỹ, nó mang đến thách thức của việc điều chỉnh lãi suất tăng cao.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã lo lắng rằng việc giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt sau căng thẳng Nga – Ukraine sẽ dẫn đến việc nhiều người lao động đòi tăng lương, kết quả, các doanh nghiệp buộc phải nâng giá cả.
Một số thành viên hoạch định chính sách thuộc ECB hiện đang nhìn vào khả năng sẽ có thêm những áp lực gia tăng mới với lạm phát.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde, việc các chủ doanh nghiệp cũng như người lao động không chấp nhận thu nhập thực tế giảm sẽ tiếp tục gây ra sức ép hơn nữa lên lạm phát.
Bởi khu vực đồng tiền chung châu Âu nhập khẩu phần lớn năng lượng, việc chi phí năng lượng tăng mạnh trong nhiều tháng tính từ căng thẳng Nga – Ukraine lập tức tác động ngay đến nhóm các nước này. Trong năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu năng lượng của EU ước tính 833,7 tỷ euro tức tương đương 909 tỷ USD, cao hơn gấp đôi con số 390,3 tỷ euro trong năm 2021 dù rằng tiêu thụ năng lượng giảm.