Nhu cầu từ châu Á sẽ quyết định tương lai kinh tế toàn cầu

Sự thay đổi của kinh tế châu Á được cho là sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng dài hạn, nhờ cơ cấu người tiêu dùng mới và các cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ.

Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, sự thay đổi về hình dạng của kinh tế châu Á được cho là sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng dài hạn, nhờ cơ cấu người tiêu dùng mới và các cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ.

Trong dự báo mới nhất của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng ước tính tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ở châu Á từ mức 4,9% lên 5,3% trong năm 2023, cao hơn gấp ba lần tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ và gấp 7 lần tốc độ tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Mặc dù các ước tính khác khác nhau về số lượng, nhưng tất cả đều thống nhất rằng châu Á đang là “cái nôi” của tăng trưởng. Sự lạc quan trên diện rộng này chủ yếu đến từ hai xu hướng đã tồn tại trong dài hạn.

Đầu tiên là thói quen quản lý tài khóa thận trọng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi cuối những năm 1990 đã giúp hầu hết các nền kinh tế châu lục thoát khỏi đại dịch COVID-19 với rất ít “vết sẹo”. Thứ hai, nền kinh tế nội khối của châu Á đang trải qua một sự thay đổi lịch sử, trong đó phụ thuộc rất ít vào “sức khỏe” của các nền kinh tế phương Tây.

Các nỗ lực quản lý kinh tế tốt hơn chủ yếu nhắm vào việc giải quyết các điểm yếu tiềm ẩn, bao gồm tăng cường dự trữ ngoại hối, kiểm soát lạm phát và đảm bảo rằng các nền kinh tế khu vực không “vấp ngã” trước một môi trường lãi suất và tỷ giá hối đoái tiêu cực.

Ít được chú ý hơn nhưng không kém phần quan trọng là nỗ lực của các tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tác động tích cực của các hiệp định như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Những hiệp định này đã giúp tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng lâu dài của khu vực bằng cách gỡ bỏ các rào cản thương mại, khiến khu vực trở nên hấp dẫn hơn khi thu hút vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, các hiệp định cũng làm khuếch đại và củng cố một sự thay đổi cơ cấu sâu sắc trong nền kinh tế khu vực.

Trong nhiều năm, phần lớn các nước đang phát triển ở phía Đông và Đông Nam Á đã tận dụng chi phí lao động thấp để khai thác tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc và các nền kinh tế được gọi là "con hổ".

Quảng cáo

Điều này tạo ra sự chuyển đổi kinh tế nhanh nhất và sâu sắc nhất trong lịch sử. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã tăng từ 3.250 USD/người hồi năm 1990 lên 20.300 USD/người vào năm 2021, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 34 tỷ USD lên 741 tỷ USD.

Hàng trăm triệu người đã có cơ hội làm việc để thoát nghèo. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, người lao động đã có được thu nhập khả dụng và tham gia vào tầng lớp tiêu dùng.

Viện nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ) ước tính số lượng người tiêu dùng ở châu Á sẽ tăng từ mức 560 triệu người của năm 2000 lên khoảng 3 tỷ người, tương đương 70% dân số khu vực, đến năm 2030, trong khi công ty tư vấn McKinsey & Co. dự đoán châu Á sẽ đóng góp hơn một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu đến lúc đó.

Tầng lớp tiêu dùng mới này đang tiêu thụ hàng hóa do châu Á sản xuất, được thể hiện qua các số liệu cho thấy thương mại nội khối đã tăng 50% trong giai đoạn 2019-2022, theo tập đoàn vận tải biển Maersk.

Đây là điều khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế chú ý. Vì thế, thay vì đổ tiền vào sản xuất ở châu Á để xuất khẩu, đầu tư quốc tế đang ngày càng chú trọng vào việc sản xuất tại châu Á cho châu Á.

Ở châu Á, có nhiều cơ hội cho các công ty phương Tây. Một loạt ngành công nghiệp bao gồm các nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất máy công cụ và các nhà bán lẻ xa xỉ đang dựa vào châu Á để thực hiện phần lớn hoạt động kinh doanh mới của họ. Những lĩnh vực này được cho là sẽ tiếp tục phát triển, miễn là lợi thế cạnh tranh vẫn tồn tại.

Triển vọng tăng trưởng thú vị nhất nằm trong các ngành dịch vụ chuyên nghiệp, đặc biệt là những ngành liên quan đến kỹ thuật số toàn cầu có thể tận dụng sự tăng trưởng bùng nổ trong cộng đồng tiêu dùng trực tuyến của châu Á.

Các ước tính mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy nhập khẩu dịch vụ thương mại của châu Á đã tăng 9,2% trong năm 2022 và được dự đoán sẽ tăng thêm 5% trong năm 2023. Với việc tầng lớp trung lưu toàn cầu luôn hướng đến các dịch vụ như giáo dục, giải trí, du lịch hay dịch vụ chuyên nghiệp như kế toán, luật và kiến trúc, lĩnh vực dịch vụ được cho là sẽ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Trong đó, có những cơ hội đặc biệt cho ngành dịch vụ tài chính, ví dụ như dịch vụ quản lý tài sản của tầng lớp người tiêu dùng mới ở châu Á. Một báo cáo của tập đoàn tư vấn Boston được thực hiện vào năm ngoái ước tính châu Á sẽ tạo ra lượng tài sản mới lên đến 22.000 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025 nếu có sự cải thiện trong cách quản lý tài chính.

Đồng thời, tăng trưởng của khu vực châu Á cùng các đối tác thương mại có thể được nâng cao bằng cách tạo thuận lợi cho thương mại và mở rộng khả năng tiếp cận những sản phẩm tài chính hỗ trợ việc mở rộng và quản lý rủi ro.

Sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng châu Á chắc chắn đang làm nghiêng cán cân ảnh hưởng kinh tế về phía Đông. Khu vực này không chỉ trở nên ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế bên ngoài, mà còn đang tiến gần tới điểm cân bằng giữa vai trò của kinh tế toàn cầu đối với châu Á và ngược lại.

Do vậy, sẽ là phù hợp khi nói rằng thành công của châu Á chủ yếu dựa trên việc cung cấp cho thế giới, trong khi tương lai của thế giới lại phụ thuộc vào sức mạnh nhu cầu ở châu Á.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Goldman Sachs: Mỹ có thể sẽ chỉ áp thuế 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tìm cách áp mức thuế trung bình 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Goldman Sachs: Đề xuất thuế của ông Donald Trump có thể làm đồng euro giảm 10% Goldman Sachs dự đoán giá vàng đạt đỉnh 3.000 USD/ounce trong năm 2025

Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu tạm thời của Trung Quốc, thấp hơn mức thuế suất tối huệ quốc, sẽ được áp dụng cho 935 mặt hàng, trong khuôn khổ kế hoạch điều chỉnh thuế quan hằng năm.

Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số bán xe điện sắp vượt xe xăng, Trung Quốc trở thành thị trường nóng nhất Trung Quốc gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nigeria

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc