Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng AgroMonitor cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, thương mại gạo của một số thị trường lớn có sự thay đổi, xuất khẩu gạo đi Philippines và Trung Quốc đạt số lượng rất lớn. Sau vài năm không tham gia thị trường, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã quay trở lại. Đây là những yếu tố chính làm cho thị trường gạo ở Việt Nam sôi động.
Dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ông Diệu cho biết, xuất khẩu gạo đang tăng lên từ Thái Lan, Ấn Độ và thậm chí Việt Nam cũng có xu hướng bứt phá.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam từ đầu năm liên tục tăng và đạt bình quân 517 USD/tấn, có những thời điểm trong các tháng giá gạo xuất khẩu 5% của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Những năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam thường dưới 7 triệu tấn, nhưng năm nay có thể sẽ đạt trên 7 triệu tấn, trong khi sản xuất vẫn trong xu hướng ổn định như các năm trước. Điều này cho thấy sự tăng vọt về xuất khẩu gạo là nỗ lực hết sức lớn của các doanh nghiệp gạo.
“Cuối năm 2022 tồn kho gần như cạn kiệt. Đầu năm 2023, các doanh nghiệp bị “dí” giao hàng quá gắt làm giá bật lên đưa đến rủi ro. Nếu năm nay tiếp tục xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, thì câu chuyện tồn kho mỏng sẽ tiếp tục.
So với mặt bằng vụ Đông Xuân năm ngoái thì năm nay giá gạo IR50404 và các chủng loại gạo xuất khẩu khác đều tăng lên rất nhiều. Việt Nam đã giao hàng với lượng kỷ lục, có thời điểm giao cho Bulog đến 800.000 tấn gạo/tháng, dẫn đến xuất khẩu lên đến 1 triệu tấn/tháng. Điều đó phản ánh năng lực giao hàng của các doanh nghiệp rất mạnh”, ông Diệu nhấn mạnh.
Nhu cầu gạo tăng, tồn kho mỏng – bài toán khó cho doanh nghiệp gạo
Ước tính sơ bộ 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã thông quan tất cả 3,6 triệu tấn gạo. Trong đó, thị trường số 1 Philippines đạt 1,521 triệu tấn; Trung Quốc đạt 629 ngàn tấn; châu Phi đạt 453 ngàn tấn; Indonesia đạt 369 ngàn tấn và Malaysia đạt 185 ngàn tấn gạo.
Phân tích những đặc điểm nổi bật của các thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam, bà Hà Thị Ngọc Thịnh, Chuyên viên phân tích thị trường gạo AgroMonitor cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay nhu cầu mua gạo vụ Đông Xuân của các thương nhân Philippines lớn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,521 triệu tấn gạo, giá mua lại tương đối thấp, và có một số hợp đồng cũ tồn đọng từ vụ Thu Đông năm 2022 đến vụ Đông Xuân 2023 mới được giao. Tuy nhiên, các thương nhân Philippines thanh toán nhanh, thời gian giao hàng phân bổ đều, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc giao hàng.
Chính phủ Indonesia có chính sách nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để tăng cường lượng tồn kho dự trữ quốc gia trong năm 2023, nên lượng gạo xuất sang nước này trong 5 tháng qua có sự tăng vọt so với cùng năm 2022, lên đến 369.000 tấn. Indonesia nhập khẩu chủ yếu gạo IR50404 loại 5% tấm. Đặc biệt, có giá bán khá tốt và hình thức thanh toán nhanh.
Đối với thị trường Malaysia, xuất khẩu gạo có tăng nhưng không đáng kể, đến nay vẫn còn tồn đọng một số hợp đồng từ cuối năm 2022 sang đến vụ Đông Xuân năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tương đối khó khăn và rủi ro trong việc giao hàng, nhất là đối với nhóm gạo ST21, ST24.
“Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) trong năm tháng qua không thật sự ổn định, đến thời điểm này CNY có sự sụt giảm gây khó khăn cho thương nhân Trung Quốc khi nhập khẩu gạo Việt Nam và bán tại nội địa”, bà Thịnh nói.
Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang châu Phi đạt 453.000 tấn, giảm 9,76% so với cùng kỳ năm 2022, do sức mua của khách giảm, thanh toán chậm vì tài chính có phần yếu hơn so với năm ngoái.
Nhìn chung, hầu hết các khách hàng gạo lớn của Việt Nam đều tăng mua, nhu cầu này sẽ vẫn duy trì đến cuối năm nay. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn cung trong bối cảnh lượng gạo Việt Nam thấp và lượng tồn kho mỏng kéo dài từ cuối năm 2022 đến vụ Đông Xuân năm 2023, cùng với và các hợp đồng cũ được chuyển từ vụ Thu Đông 2022 sang Đông Xuân 2023. Trong khi vụ Đông Xuân 2022 – 2023, diện tích sản xuất lúa IR50404 chỉ còn 4% và giống OM5451 còn 8%.
“Dự báo lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong các quý 2,3 và 4 sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực, có thể đạt ở mức xấp xỉ 7 triệu tấn, thậm chí hơn 7 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao. Nhu cầu nhiều đến từ các thị trường Indonesia, châu Phi, Philippines. Ngoài ra, sức mua lai rai đến từ Malaysia, Cuba và Trung Quốc. Các chủng loại gạo có sức mua tốt vẫn tập trung ở gạo IR 50404, OM5451, OM18 và DT8”, bà Thịnh nhận định.