Do giá cả phi mã, lạm phát tăng lên 10,4% trong tháng 10/2022, phá vỡ kỷ lục trong vòng 70 năm ghi nhận một tháng trước đó, nhiều người tiêu dùng ở Đức đã phải cắt giảm chi tiêu, ngay cả những chi phí thiết yếu.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả cuộc khảo sát mới của Liên đoàn các tổ chức người tiêu dùng Đức (VZBV) cho biết do lạm phát cao, 63% người tiêu dùng nước này đã cắt giảm chi tiêu nói chung. Chỉ có 20% nói rằng họ chưa cắt giảm nhưng sẽ phải sớm đưa ra quyết định này.
Với giá một số loại thực phẩm đã tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát trung bình, 61% cho biết họ đã giảm chi tiêu cho hàng tạp hóa, đặc biệt những mặt hàng có mức tăng “phi mã” như bơ tăng tới 50%, sữa và trứng tăng khoảng 28%, thịt và ngũ cốc tăng khoảng 20%.
Trong khi đó, có tới 56% số người được hỏi cho biết đã chi tiêu ít hơn cho quần áo, khoảng 30% nói rằng giảm việc đi lại bằng ô tô và máy bay.
Việc cắt giảm cũng khiến người tiêu dùng suy nghĩ nhiều hơn về những thay đổi dài hạn đối với chi tiêu của mình, ngay cả sau khi lạm phát xảy ra. Nhiều người cho rằng những nỗ lực để chống biến đổi khí hậu là một lý do chính. Có tới 75% số người được hỏi nói có ý định chi tiêu ít hơn cho quần áo trong thời gian dài hơn và mặc những thứ hiện có lâu hơn, trong khiv60% đang tìm mua các thiết bị tiết kiệm năng lượng. 45% người tiêu dùng cho biết đang tìm cách sửa chữa các thiết bị hỏng thay vì mua mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho biết một số dấu hiệu cho thấy xu hướng lạm phát có thể đảo ngược trong năm tới. Mặc dù lạm phát cao, giá sản xuất đã lần đầu tiên giảm đáng kể trong tháng 10. Cơ quan thống kê Liên bang Đức (Destatis) đầu tuần này đã công bố số liệu cho biết giá sản xuất trong tháng 10/2022 đã giảm 4,2% so với tháng trước, đánh dấu tháng đầu tiên kể từ năm 2020 giá sản xuất không tăng. Một dấu hiệu tích cực khác Destatis nhận thấy là giá bán buôn giảm 0,6% trong tháng 10. Theo đánh giá, điều này phần lớn là do giảm 5% giá thành các sản phẩm dầu mỏ.
Trong khi đó, ông Ralph Solveen, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Commerzbank, nhận định với giá sản xuất giảm, hy vọng đỉnh của lạm phát sẽ không còn xa nữa. Nhà kinh tế Jens-Oliver Niklasch tại Ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg cho rằng sự thay đổi giá sản xuất là một dấu hiệu tốt. Ông nói: “Đây có lẽ là tín hiệu đầu tiên cho thấy áp lực giá đã giảm phần nào.”
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng một cuộc suy thoái dường như khó có thể tránh khỏi trong mùa Đông này. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sản lượng kinh tế của Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2023. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo này có thể đúng với phần lớn nền kinh tế toàn cầu vào năm tới.
Một trong những hậu quả của suy thoái kinh tế là do nhiều người cắt giảm chi tiêu và điều này sẽ dẫn đến việc giảm giá. Như phản ứng dây chuyền, giá cả giảm, tỷ lệ lạm phát cũng giảm trong năm 2023.
Cho đến nay có rất nhiều ước tính khác nhau về lạm phát. Cựu chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard, trong phát biểu với tạp chí “Nhà quản lý” cho biết ông dự đoán lạm phát sẽ giảm mạnh vào cuối năm 2023 và có thể ở mức 2,5 đến 3%.
Sự sụt giảm mạnh xảy ra có thể nhờ các biện pháp can thiệp của chính phủ như áp dụng mức trần đối với giá khí đốt và điện. Mặc dù quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2023, nhưng sẽ có hiệu lực đối với hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ từ tháng 1/2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát cao chủ yếu là do chi phí năng lượng, việc Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ trong thời điểm này là rất quan trọng trong việc giúp giảm giá.