Theo CNN, nước Đức đang chuẩn bị đương đầu với một mùa đông khắc nghiệt khi giá năng lượng tăng cao đe dọa đến lĩnh vực sản xuất, một động lực quan trọng của nền kinh tế nước này.
Dữ liệu sơ bộ của cơ quan thống kê Đức vừa được công bố hôm 7/10 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2022 của nước này giảm 0,8% so với một tháng trước đó.
Chuỗi cung ứng tắc nghẽn do những biến động trên thế giới, nhưng các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, thủy tinh và kim loại là những ngành ghi nhận mức giảm lớn hơn - cụ thể là giảm 2% so với tháng 7.
Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn ING Germany, hôm 7/10 nhận định rằng kinh tế suy giảm là điều "không thể tránh khỏi" khi giá năng lượng vẫn ở mức cao như vậy, và tác động do giá năng lượng tăng cao sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất trong những tháng cuối năm.
Ngành công nghiệp sản xuất của Đức - lĩnh vực chiếm hơn 1/5 sản lượng kinh tế của nước này - đang lo lắng rằng một số công ty của họ sẽ không vượt qua được cuộc khủng hoảng.
Nhiều công ty đang cắt giảm sản lượng, trong khi một số khác thì sa thải nhân viên và đưa bớt một số bộ phận hoạt động ra nước ngoài để đối phó với khủng hoảng.
Hình ảnh minh họa
Ông Frederick Persson, Giám đốc Điều hành khu vực Trung và Đông Âu của Prysmian Group, một nhà sản xuất dây cáp thuộc sở hữu của Italy, chia sẻ với CNN Business rằng chi phí năng lượng hiện nay đang ở mức "cao chưa từng thấy".
"Trước đây, năng lượng chỉ là một phần chi phí, nhưng giờ đây nó đã trở thành một thứ có thể khiến doanh nghiệp của bạn phải ngừng hoạt động", ông Persson nói.
Chi phí năng lượng tại 6 nhà máy ở Đức của Prysmian dự kiến sẽ tăng từ 5 triệu euro trong năm 2021 lên 20 triệu euro trong năm nay. Năm tới, tập đoàn này ước tính chi phí năng lượng sẽ tăng lên 35 triệu euro - tức tăng 600% so với năm 2020.
Prysmian sử dụng khí đốt tự nhiên để cung cấp năng lượng cho máy móc của họ. Tuy nhiên, giá khí đốt bán buôn ở Đức đã tăng gần 400% trong năm nay - tính đến đầu tháng 9.
Theo Cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu, mặc dù Đức đã sắp bơm đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước mùa đông (hiện mức dự trữ đạt 93%), nhưng chi phí năng lượng tăng cao đã tiếp tục thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng, vốn đã tăng lên 10% vào tháng 9.
Ông Stefan Schneider, nhà kinh tế trưởng người Đức tại Deutsche Bank Research, cho biết, nếu không còn nguồn cung khí đốt Nga như những năm trước, lượng khí đốt dự trữ của Đức sẽ cạn kiệt sau mùa đông. Điều đó có nghĩa là Đức sẽ tiếp tục phải trả giá năng lượng rất cao trong năm sau, ngay cả khi các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng tiết kiệm.
Ông Marc Schattenberg, một nhà kinh tế cấp cao tại Deutsche Bank, dự đoán rằng vào mùa xuân năm 2023 sẽ có đến 2 triệu người lao động nghỉ việc khi các doanh nghiệp của họ phải đối mặt với tình trạng giá cả leo thang và thiếu khí đốt.
Prysmian đã buộc phải cắt giảm 10% nhân công trong các cơ sở của mình ở Đức, Romania, Hungary và Cộng hòa Séc trong vòng 3 tháng qua.
Cũng giống như các nền kinh tế lớn khác, nguy cơ về một cuộc suy thoái sâu ở Đức ngày càng lớn. Điều đó có nghĩa là lĩnh vực công nghiệp của nước này (với 7,5 triệu lao động) có thể chứng kiến sự suy giảm lớn hơn nữa.
Deutsche Bank dự đoán sản lượng sản xuất của Đức sẽ giảm 2,5% trong năm nay và khoảng 5% vào năm 2023.
Hình ảnh minh họa
Sống sót qua mùa đông
Các cơ sở sản xuất cần sử dụng một lượng lớn năng lượng đang tìm cách duy trì hoạt động, nhưng không phải ai cũng thành công.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng trước của Liên đoàn các ngành công nghiệp giấy châu Âu (CEPI), 2/3 số nhà sản xuất giấy trên lục địa này đã cắt giảm sản lượng, hơn một nửa số còn lại tạm thời đóng cửa.
Sản xuất giấy cần sử dụng rất nhiều năng lượng trong cả ngày để làm bay hơi một lượng lớn nước. Hakle, một nhà sản xuất giấy vệ sinh ở Đức, đã tuyên bố phá sản vào tháng trước vì giá năng lượng và nguyên liệu tăng cao.
"Sống sót qua mùa đông năm nay sẽ là một thách thức (đối với các doanh nghiệp)", bà Malgosia Rybak, giám đốc khí hậu và năng lượng của CEPI nhận định.
Nhiều nhà sản xuất của Đức có quy mô vừa và nhỏ, thường là công ty gia đình và nhân viên là người trong cộng đồng. Khả năng chống chọi với các cú sốc về giá năng lượng của các công ty này sẽ không thể bằng những "người khổng lồ" trong ngành.
Thế nhưng, những công ty lớn như Prysmian, một trong những nhà sản xuất cáp lớn nhất thế giới, cũng đang gặp khó khăn. Ông Persson cho biết Prysmian đã cắt giảm 5% sản lượng trong khu vực của mình trong vòng 6 tháng qua.
Chính phủ Đức đã tuyên bố chi gần 300 tỷ euro để giúp hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp đương đầu với giá cả leo thang. Khoảng 200 tỷ euro trong số đó có thể được hỗ trợ thông qua khoản vay chính phủ.
Hình ảnh minh họa
Dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài
Đức tin rằng "trái tim" của nền kinh tế khổng lồ của họ đang bị đe dọa. Một số nhà sản xuất đã dịch chuyển một phần hoạt động của họ ra nước ngoài.
Các công ty đã sử dụng nguồn khí đốt giá rẻ ổn định từ Nga kể từ thập niên 1990 để vận hành các nhà máy của họ, nhưng nguồn năng lượng đó hiện đang "biến mất" - buộc các doanh nghiệp phải tìm các nguồn thay thế, hoặc chuyển các hoạt động sử dụng nhiều năng lượng sang các nước khác để duy trì sản xuất.
Đó là điều Prysmian đã thực hiện. Đầu năm ngoái, tập đoàn này đã chuyển hoạt động sản xuất dây cáp từ các nhà máy ở Đức sang Hungary và Cộng hòa Séc để tiết kiệm chi phí. Prysmian cũng bắt đầu mua các bộ phận từ Thổ Nhĩ Kỳ thay vì tự sản xuất để cắt giảm tiêu thụ năng lượng.
Những ngành khác tại châu Âu cũng chứng kiến sự thay đổi. Chẳng hạn, tập đoàn BASF của Đức (BASFY) và Yara International (YARIY) của Na Uy, hai gã khổng lồ về hóa chất, đã cắt giảm sản xuất amoniac (một thành phần quan trọng trong phân bón) ở lục địa này do giá khí đốt cao.
Ngành công nghiệp của Đức cũng đã có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy một sự thay đổi lâu dài hơn.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 9 vừa qua của Hiệp hội Ngành Công nghiệp Ô tô của Đức, 85% các nhà sản xuất ô tô cho rằng Đức là một địa điểm kém cạnh tranh vì giá năng lượng cao và nguồn cung không đảm bảo. 3% số công ty tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch đầu tư trong thị trường nội địa, trong khi 22% muốn chuyển đầu tư ra nước ngoài./.