Mỹ ước tính thiệt hại của Nga do lệnh cấm vận vàng

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng việc cấm vận vàng Nga sẽ khiến quốc gia này thiệt hại khoảng 19 tỷ USD doanh thu hàng năm.

“Vàng là mặt hàng xuất khẩu sinh lợi thứ hai của Nga, chỉ sau xuất khẩu năng lượng. Nga sẽ mất khoảng 19 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu vàng và phần lớn trong số đó từ các nước G7. 19 tỷ USD doanh thu mỗi năm là rất đáng kể”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNN. Nhà chức trách dự đoán tác động của lệnh cấm này đối với nền kinh tế Nga sẽ được thấy rõ trong năm tới.

Trước đó, theo một tuyên bố của chính phủ Anh, bốn nước Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản đã thông báo một lệnh cấm vận đối với nhập khẩu vàng Nga trong hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) tổ chức tại Đức ngày 26/6.

Theo kênh truyền hinh RT, phát ngôn của Ngoại trưởng Blinken là chưa chính xác. Trên thực tế, mặt hàng xuất khẩu sinh lợi đứng thứ 2 của Nga là lương thực, thực phẩm. Doanh thu nông sản bán ra nước ngoài của Nga đạt 37 tỷ USD trong năm 2021.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các quốc gia G7 còn lại có ký vào lệnh cấm hay không. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cùng ngày cho rằng trước tiên, EU cần xác định xem liệu động thái “nhắm mục tiêu vào vàng có thực sự ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, chứ không phải tác dụng ngược vào chúng ta”.

Quảng cáo

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định một lệnh cấm vận vàng sẽ khiến “Tổng thống Vladimir Putin tổn thất chưa từng có”. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố lệnh cấm này sẽ “giáng đòn vào trung tâm bộ máy chiến tranh của Nga”.

Cả hai nhà lãnh đạo này đều nói những câu tương tự khi áp đặt các vòng trừng phạt trước đó lên Nga. Tuy nhiên, bất chấp các lệnh cấm vận, Nga vẫn ghi nhận lợi nhuận kỷ lục từ việc bán dầu và khí đốt. Đồng ruble của Nga hiện đang ở mức cao nhất trong 7 năm so với đồng USD và đồng euro.

Trong khi đó, lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm ở EU và Mỹ. Người dân tại hai bờ Đại Tây Dương đang phải trả giá nhiên liệu cao kỷ lục. Mặc dù đồng ý cấm vận dầu mỏ Nga vào tháng trước, EU được cho là nhập khẩu dầu thô Nga nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong hai tháng qua.

Nga cũng sẽ vẫn có thể bán vàng cho các nhà máy tinh chế hoặc tìm kiếm người mua mới ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Trung Đông, như họ đã làm điều tương tự với khí đốt.

“Mỹ nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ tàn phá nền kinh tế của nước này nhưng điều đó dường như không xảy ra. Khi nào thì các biện pháp trừng phạt này sẽ bắt đầu có tác dụng như phương Tây và Tổng thống Biden dự đoán?”, nhà báo Tapper của CNN hỏi Ngoại trưởng Blinken.

“Tất cả những gì chúng tôi làm ngay từ đầu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có này, nó đang tác động sâu sắc đến Nga. Nga hiện không thể có được những gì họ cần để hiện đại hóa quốc phòng, hiện đại hóa công nghệ, hiện đại hóa việc thăm dò năng lượng. Chúng tôi dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụt giảm từ 8 đến 15% trong năm tới”, Ngoại trưởng Blinken kết luận.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro