Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hàng loạt nước phương Tây đã áp đặt các đòn trừng phạt chống Moskva, trong đó có nỗ lực của nhóm nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) muốn tẩy chay nguồn dầu khí nhập khẩu từ Nga để gia tăng sức ép.
Tuy nhiên, theo đài RT và trang mạng Politico, áp đặt trừng phạt là một chuyện, còn châu Âu có đoạn tuyệt với nguồn cung khí đốt từ Nga hay không lại là một chuyện khác. Vấn đề nằm ở chỗ châu Âu sẽ làm gì để bù đắp khoảng trống nếu ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Nếu đây là một vấn đề dễ giải quyết, thì có lẽ châu Âu đã làm từ lâu.
Năm 2021, Nga cung cấp tới 45% nhu cầu khí đốt tự nhiên của EU, với khoảng 155 tỷ m3 bơm qua một số hệ thống đường ống dẫn. Song trong bối cảnh hiện nay, EU dường như đang cân nhắc các kế hoạch nhằm loại bỏ nguồn nhập khẩu khí đốt này. Trong mấy tuần gần đây, một số quốc gia châu Phi – như Nigeria, Senegal và Angola – đang được coi là nguồn cung thay thế tiềm tàng.
Nguồn khí đốt từ châu Phi còn được chờ đợi hơn so với những nguồn cung tiềm tàng khác là Mỹ hay Qatar. Đơn giản vì thỏa thuận với các quốc gia châu Phi không đòi hỏi nhiều công sức đàm phán.
Italy là nước thành viên EU đi tiên phong trong nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế từ châu Phi. Chính phủ nước này đã cử các phái đoàn tới Algeria, Angola, Ai Cập và Cộng hòa Congo từ tháng 2. Song cho đến nay, hầu hết các chuyến thăm và đàm phán đã kết thúc mà chỉ có các tuyên bố và thư ngỏ. Do đó, các viện nghiên cứu năng lượng hàng đầu bắt đầu hoài nghi triển vọng của cung cấp khí đốt từ châu Phi sang EU.
Tổng thống Senegal Macky Sall (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Dakar, Senegal, ngày 22/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Phi có bao nhiêu nhà xuất khẩu khí đốt đủ khả năng cung cấp cho EU?
EU nhập khẩu khí đốt thông qua các đường ống từ Algeria và Libya, cũng như nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Algeria, Angola, Cameroon, Ai Cập, Guinea Xích đạo và Nigeria. Tổng công suất của cơ sở hạ tầng xuất khẩu khí đốt của châu Phi (cả đường ống và nhà máy LNG) là khoảng 170 tỷ m3 (bcm) mỗi năm.
Tuy nhiên, 125 bcm công suất này nằm dưới sự kiểm soát của Algeria, quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng năm đang giảm dần xuống mức từ 40-50 bcm. Tổng cộng, công suất xuất khẩu ở châu Phi là khoảng 60% đối với các nhà máy LNG và 40% đối với các tuyến đường ống dẫn.
Trong khi tại Algeria, quyền xuất khẩu khí đốt thuộc về tập đoàn nhà nước Sonatrach, thì tại các quốc gia châu Phi khác cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động xuất khẩu khí đốt do các tập đoàn phương Tây kiểm soát, trong đó chủ yếu là đại diện cho bên mua như Eni, Shell, TotalEnergies… Do đó, khả năng các chính phủ các nước châu Phi tác động tới sản lượng khí đốt xuất khẩu vẫn là một dấu hỏi.
Năm 2021, các quốc gia châu Phi đã cung cấp 16,6 triệu tấn LNG (tương đương 23 bcm) cho các nước EU, 7 triệu tấn khác cung cấp cho Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, 16,7 triệu tấn cho châu Á và 0,5 triệu tấn cho khu vực Mỹ Latinh. Bất chấp tăng trưởng kinh tế sau đại dịch và sự phục hồi năng động của nhu cầu khí đốt, châu Phi chỉ có thể tăng xuất khẩu thêm 2 triệu tấn LNG so với năm khủng hoảng 2020. Các đường ống xuất khẩu từ Algeria và Libya sang Tây Ban Nha và Italy đạt tổng cộng 35 bcm. Tổng thể, châu Phi đã xuất khẩu khoảng 68 bcm sang EU trong năm 2021.
Tổng thống Senegal Macky Sall (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Dakar, Senegal, ngày 22/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Phi liệu có thể tăng sản lượng xuất khẩu tới EU ngay lúc này?
Đúng là châu Phi có thể tăng sản lượng khí đốt xuất khẩu sang EU ngay lúc này. Tuy nhiên, khối lượng sẽ nhỏ, tổng cộng có thể khoảng 10 bcm mỗi năm. Vấn đề là EU sẽ phải đưa ra mức giá tốt hơn so với các khách hàng châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, quốc gia cũng có kế hoạch từ bỏ khí đốt Nga.
Nigeria có truyền thống bán 50% LNG cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi dự án ở Mozambique cũng đang nhắm mục tiêu vào các thị trường ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhu cầu về LNG cũng đang dần gia tăng ở chính các nước châu Phi.
Báo Le Monde của Pháp giải thích rằng trong nỗ lực ngừng mua hydrocacbon của Nga, các nước châu Âu phải đối mặt trở ngại lớn khi không thể nhanh chóng thay đổi trật tự về nguồn cung cấp trong lĩnh vực dầu khí. Tờ báo ngoại giao của Pháp nhận định các nhà sản xuất như Nigeria hay Angola có vị trí địa lý xa xôi và không ổn định về năng lực sản xuất, nên chưa thể trở thành một nguồn thay thế đáng tin cậy thay cho Nga.
Algeria đang vật lộn để đạt được mục tiêu về sản lượng phù hợp với lệnh hạn chế của tổ chức OPEC+. Trong khi đó, Libya vẫn chịu ảnh hưởng bởi xung đột khiến hoạt động sản xuất dầu khí liên tục bị gián đoạn. Dù Algeria và Ai Cập đều có khả năng dự trữ để vận chuyển khí đốt tới EU trong tương lai gần, nhưng hai nước này có vẻ chưa muốn triển khai để tránh gây ảnh hưởng xấu đến mối quan với Nga. Bởi lẽ, Algeria cần mua vũ khí của Nga trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Morocco, trong khi Cairo đang lo lắng về vấn đề an ninh lương thực và cụ thể là nguồn cung lúa mì từ Nga.
Theo giới chuyên gia, nếu châu Âu có thể tẩy chay khí đốt Nga và thay bằng các nguồn nhập khẩu từ châu Phi, thì có lẽ EU đã làm điều đó từ lâu. Vấn đề này đã được ưu tiên từ năm 2008, khi Ủy viên Năng lượng EU Andris Piebalgs tới thăm Nigeria để thảo luận về tuyến đường xuyên Sahara. Brussels đã cố gắng tăng nguồn cung, song kết quả khá hạn chế. Gần như không thể gia tăng sản lượng khí đốt xuất khẩu từ châu Phi. Do đó, người hưởng lợi chính từ việc EU tẩy chay dầu khí Nga lại chính là Mỹ và Qatar.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Algeria tới Tây Ban Nha. Ảnh: Morocco Times
Tình hình thế giới hiện nay khiến ý định “làm sống lại” các dự án trước đây được coi là không khả thi, trong đó có xây các đường ống qua Sahara từ Nigeria đến Algeria, đường ống Đông Địa Trung Hải, hoặc các dự án xuất khẩu LNG từ bờ biển Mozambique, Tanzania và Djibouti.
Trong thập kỷ tới, khí đốt sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển ngành năng lượng và các ngành công nghiệp khác ở nhiều nước châu Phi. Những nước khai thác dầu khí lớn như Algeria, Ai Cập và Nigeria sẽ phải lựa chọn giữa việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng với việc tăng sản lượng xuất khẩu.
Việc lựa chọn ưu tiên giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước (thu nhập ngoại tệ nhiều hơn hoặc nguồn cung cấp sẵn có lớn hơn cho ngành năng lượng và các ngành công nghiệp) sẽ xác định vai trò của châu Phi trên thị trường năng lượng thế giới trong 20 năm tới.