Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 9/2022 tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, thực tế này gây sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc kiềm chế lạm phát.
Như vậy khả năng Fed nâng lãi suất mạnh tay để hạ nhiệt đà tăng của lạm phát gần như chắc chắn sẽ xảy ra, theo nhận định được Bloomberg đưa ra trong bài báo mới đây.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 9/2022 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước lên ngưỡng cao nhất tính từ năm 1982, Bộ Lao động Mỹ công bố. Còn nếu so với tháng liền trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,6% đến tháng thứ 2 liên tiếp.
Chỉ số CPI nói chung tăng 0,4% trong tháng 9/2022 và tăng 8,2% so với cùng kỳ. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đã dự báo về mức tăng tháng 0,4% với chỉ số giá tiêu dùng lõi và mức tăng 0,2% với chỉ số giá tiêu dùng toàn phần.
Giá cả của một loạt các loại mặt hàng đều tăng. Chỉ số nhà ở, thực phẩm và y tế đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Giá xăng và xe ô tô đã qua sử dụng giảm.
Báo cáo lạm phát mới nhất cho thấy lạm phát cao đã lây lan mạnh ra toàn bộ kinh tế Mỹ như thế nào, nó làm xói mòn sức mua của đồng lương người Mỹ và buộc nhiều người phải sống bằng tiền tiết kiệm cũng như thẻ tín dụng. Trong khi mà tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng được kỳ vọng nhiều khả năng hạ nhiệt trong những tháng tới, chắc chắn nó sẽ chưa thể khiến Fed thay đổi muc tiêu.
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đã phản ứng bằng chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay nhất tính từ thập niên 1980, tuy nhiên cho đến nay, dường như tác động lên thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng vẫn vững vàng. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9/2022 trở lại ngưỡng thấp nhất trong 5 thập kỷ, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tăng lương để giữ chân người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của các hộ gia đình.
Sau khi nước Mỹ có báo cáo thị trường việc làm tốt được công bố tuần trước, báo cáo mới nhất về chỉ số CPI củng cố cho khả năng Fed sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào tháng 11/2022. Các nhà đầu tư hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng có đợt nâng lãi suất mạnh tay vào tháng sau. Sau khi báo cáo lạm phát được công bố, các chỉ số chứng khoán tương lai giảm mạnh và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng sau báo cáo trên.
Chi phí nhà ở, yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng Mỹ và chiếm 1/3 trong tổng chỉ số CPI nói chung, tăng 0,7% đến tháng thứ 2 liên tiếp. Chi phí nhà ở tăng mạnh nhất nếu tính theo mức tăng cùng kỳ năm.
Chi phí thực phẩm tăng 0,8% đến tháng thứ 2 liên tiếp và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá xe ô tô đã qua sử dụng giảm đến tháng thứ 2 liên tiếp còn giá xe mới tăng nhẹ. Giá vé máy bay tăng. Giá xăng hạ nhiệt đà tăng trong tháng 9/2022 tuy nhiên đã bắt đầu tăng trở lại.
Hiện tại, mục tiêu lạm phát 2% của Fed hiện đã bị phá vỡ quá xa. Các diễn biến địa chính trị trên khắp thế giới nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa. OPEC+ gần đây đã thông báo cắt giảm sản lượng dầu, khả năng chính quyền Biden cấm xuất khẩu xăng có thể sẽ phản tác dụng khi nó đẩy giá xăng tăng cao hơn.
Căng thẳng Nga – Ukraine nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục gây gián đoạn nguồn cung của nhiều loại hàng hóa như lúa mì, Nhà Trắng trong khi đó vẫn tiếp tục cấm nhôm của Nga, loại kim loại sử dụng phổ biến trong ô tô và điện thoại iPhone.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày thứ Ba công bố rằng kinh tế thế giới đang hướng đến “khoảng thời gian bão tố” khi mà quỹ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm tới, đồng thời cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế nếu các nhà hoạch định chính sách không xử lý tốt cuộc chiến chống lạm phát, theo nội dung báo cáo mới nhất được IMF công bố.
Đánh giá bi quan này được đưa ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mà IMF mới công bố trong cuộc họp thường niên giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF.
Cuộc họp này diễn ra trong một khoảng thời gian có nhiều căng thẳng khi mà vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tồn tại, căng thẳng Nga – Ukraine đã dẫn đến tình trạng giá thực phẩm và năng lượng tăng trong năm vừa rồi, chính vì vậy các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải nâng mạnh lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.
IMF vẫn duy trì dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng, theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay thế nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc còn 2,7% trong năm 2023, thấp hơn so với tính toán trước đây. Tuy nhiên ở thời điểm đầu năm nay, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và 2,8% trong năm 2023, như vậy có thể thấy rõ ràng triển vọng kinh tế đã xấu đi đáng kể trong nhiều tháng trở lại đây.