Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm so với đỉnh, nhưng chỉ số lạm phát lõi vẫn neo ở mức cao một cách lì lợm.
Có phải lạm phát đã chấm dứt? Đó là phản ứng thở phào nhẹ nhõm của thị trường sau khi Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ trong tháng 3. Nhà Trắng cũng “phụ họa” với thông báo "lạm phát hiện đã giảm 45% so với mức đỉnh lập hồi mùa hè”.
Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, có vẻ như vẫn quá sớm để ăn mừng. Đúng là lạm phát đã giảm so với tháng 6 năm ngoái dù xét theo mức tăng theo tháng hay theo năm. Tháng 6 năm ngoái, lạm phát tăng 1,2% so với tháng trước đó và tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, hiện tại chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang tăng 5% so với cùng kỳ năm trước – mức mà hầu hết người Mỹ sẽ không cảm thấy an tâm.
Hơn nữa, chỉ số lạm phát lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm là những mặt hàng biến động mạnh) vẫn tăng 0,4% so với tháng trước và đã có 4 tháng liên tiếp tăng mạnh như vậy hoặc hơn. Nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ lạm phát lõi là 5,6%. Giá dịch vụ tăng 7,1%, trong đó dịch vụ vận tải tăng giá tới 13,9%.
Đây chính xác là tình trạng mà các chuyên gia kinh tế muốn miêu tả khi nói rằng lạm phát vẫn dai dẳng. Những người lạc quan cho rằng đà tăng của giá nhà và giá thuê nhà đang dịu lại, giúp hạ nhiệt lạm phát vì chi phí nơi ở chiếm đến 60% chỉ số lạm phát lõi. Nhưng trong vài tháng tới, nếu như giá nhà giảm thì giá năng lượng lại đang có xu hướng tăng.
Rõ ràng lạm phát giảm từ 9,1% xuống còn 5% thì đó không phải là giảm phát. Giá cả vẫn tăng, chỉ là không tăng nhanh bằng trước đây. Chất lượng cuộc sống của người dân vẫn suy giảm, người Mỹ vẫn đang phải trả mức giá cao hơn cho gần như tất cả mọi thứ.
Điều này cũng được phản ánh trên thị trường chứng khoán Mỹ. Sau khi tăng mạnh vào buổi sáng, thị trường quay đầu giảm điểm sau khi Ủy ban thị trường mở công bố biên bản cuộc họp tháng 3 cho thấy các quan chức Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ “suy thoái nhẹ” trong năm nay.
Những người lạc quan có thể kêu gọi Fed ngừng tăng lãi suất vì lạm phát đang giảm. Nhưng để đưa lạm phát từ 5% xuống 2% sẽ khó hơn rất nhiều so với từ 9% xuống 5%. Lạm phát vẫn chưa kết thúc. Đồng nghĩa khó có thể chắc chắn điều gì về lộ trình tăng lãi suất của Fed.
Cảnh báo cho cổ phiếu và nhiều loại tài sản?
Theo nhận định của Stephen Roach, cựu chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley và hiện là giáo sư tại ĐH Yale, sắp tới Fed sẽ đối mặt với 1 nhiệm vụ khó nhằn: đưa lạm phát về mức có thể kiểm soát được, nhưng điều đó lại đồng nghĩa với gây ra những nỗi đau cho cổ phiếu và nhiều loại tài sản khác.
Chuyên gia này nhận định kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng trì lạm nhưng không phải giống như những năm 1970 và 1980. Mặc dù lạm phát đã bắt đầu giảm xuống, hiện tượng này vẫn kéo dài dai dẳng và Fed chắc chắn không thể sớm đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Ông còn nhận định Fed có thể phải tạm ngừng cuộc chiến chống lạm phát để giải quyết những rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng. Theo Roach, hệ thống tài chính sẽ phải trải qua giai đoạn điều chỉnh "rất đau đớn" bởi vì vẫn đang quen với môi trường chính sách tiền tệ lỏng lẻo.