Lạm phát tiêu dùng lõi của Nhật chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ khi mà các doanh nghiệp tiếp tục đẩy phần chi phí tăng cao sang phía các hộ gia đình, theo dữ liệu công bố. Đây có thể coi như dấu hiệu cho thấy giá cả đang tăng trên diện rộng và nhiều khả năng sẽ khiến ngân hàng trung ương chịu nhiều áp lực trong việc thu hẹp các chương trình kích cầu.
Theo Reuters, từ nhiều tháng trước khi có động thái điều chỉnh biên độ lợi suất trái phiếu đầy bất ngờ vào ngày thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã nói đến những tác động thị trường từ việc kết thúc chính sách lãi suất siêu thấp, biên bản cuộc họp của BOJ vào tháng 10/2022 cho hay.
Khi mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tính đến tăng giá bán hàng hóa các sản phẩm thực phẩm vào năm sau, triển vọng lạm phát và thời điểm BOJ điều chỉnh lãi suất sẽ chịu ảnh hưởng bởi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn liên quan đến tốc độ nâng lương.
“Cản trở với quá trình bình thường hóa chính sách không hề nhỏ. Kinh tế toàn cầu có thể xấu đi trong nửa đầu năm sau, chính vì vậy BOJ sẽ khó có thể đưa ra các biện pháp như siết chặt tiền tệ”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin – ông Takeshi Minami cho hay.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) của Nhật, không tính đến diễn biến giá cả hàng hóa tươi sống nhưng có tính đến chi phí năng lượng, trong tháng 11/2022 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu công bố ngày thứ Sáu. Những số liệu này đúng với dự báo của thị trường và cao hơn so với mức 3,6% công bố vào tháng 10/2022.
Đây là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cao nhất tính từ mức tăng 4,0% vào tháng 12/1981, khi đó lạm phát chịu ảnh hưởng từ tác động của cú sốc dầu mỏ năm 1979 và kinh tế tăng trưởng bùng nổ.
Ngoài chi phí tiêu dùng, giá cả của hàng loạt loại hàng hóa đều tăng, từ điện thoại thông minh cho đến điều hòa không khí, đây là dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát sẽ ngày một lớn hơn.
Nhiều chuyên gia phân tích dự báo trong năm sau, lạm phát tiêu dùng lõi sẽ chững lại về gần ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ khi mà hiệu ứng nền từ các đợt tăng giá nhiên liệu giảm đi và tác động từ các chương trình trợ cấp của chính phủ liên quan đến ngăn giá điện tăng quá nóng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2023.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng giá với khoảng 7.152 mặt hàng thực phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023, cao gấp đôi số lượng mặt hàng tăng giá vào cùng kỳ năm trước, theo số liệu của ngân hàng Teikoku.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda đã gây sốc thị trường bằng việc tăng gấp đôi mức trần lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật thời hạn 10 năm, động thái này lập tức khiến cho đồng yên tăng giá sốc, giá trái phiếu chính phủ Nhật giảm, động thái dọn đường cho việc bình thường hóa chính sách dưới thời thống đốc mới.
BOJ giờ đây sẽ cho phép lợi suất trái phiếu Nhật thời hạn 10 năm tăng lên quanh ngưỡng khoảng 0,5%, cao hơn so với giới hạn 0,25% trước đây, theo tuyên bố chính sách công bố vào ngày thứ Ba.
BOJ cho biết động thái sẽ giúp tăng cường tính bền vững của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế coi động thái này như việc đặt nền móng cho sự kết thúc chính sách kích thích tiền tệ trên quy mô lớn.
BOJ duy trì lợi suất mục tiêu trái phiếu chính phủ Nhật thời hạn 10 năm không thay đổi ở ngưỡng 0%, lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%. BOJ đồng thời cho biết sẽ tăng quy mô mua trái phiếu lên mức 9 nghìn tỷ yên tương đương 67,5 tỷ USD/tháng so với kế hoạch 7,3 nghìn tỷ yên ở hiện tại.
Đồng yên tăng giá lên mức 132,68 yên/USD so với mức 137,16 yên/USD trước thông báo trên. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật thời hạn 10 năm tăng lên ngưỡng cao khoảng 0,46% từ mức 0,25% trước quyết định chính sách trên.