So với đầu năm nay, giá năng lượng đã giảm, nhưng đáng buồn là có thể những nhân tố giúp hạ giá năng lượng hiện nay sẽ không còn trong năm 2023.
Khi châu Âu và các khu vực khác của bán cầu Bắc chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn, dư luận thế giới bắt đầu băn khoăn: Khi nào giá xăng và dầu sẽ trở lại mức trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát? Kênh Al Jazeera cũng đã đặt câu hỏi này với các nhà phân tích và nhà kinh tế học hàng đầu.
Và câu trả lời khá ngắn gọn: Có lẽ không phải trong 2 năm tới, ít nhất là như vậy.
Vẫn có một vài tin tốt như giá khí đốt và xăng đã thấp hơn so với đầu năm nay. Giá một thùng dầu Brent đã giảm từ mức cao 128 USD vào đầu tháng 8 xuống còn 76 USD vào ngày 11/12. Nhưng nhà phân tích Tom Marzec-Manser tại ICIS (Anh) nhận định: “Trên thực tế, giá sẽ lại tăng. Những nhân tố giúp hạ giá khí đốt nhiều khả năng sẽ không còn duy trì trong năm 2023”.
Tình trạng giá dầu thô giảm do Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng Australia áp giá trần với giá dầu thô của Nga vận chuyển qua đường biển dự kiến cũng sẽ không kéo dài. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán trong năm 2023 dầu có giá trung bình 92 USD, cao hơn 30% so với mức 2021.
Lo sợ rằng Nga có thể cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt, châu Âu đã mua và tích trữ nhiều khí đốt nhất có thể trong vài tuần qua. Đến tháng 11, Liên minh châu Âu đã lấp đầy gần 95% khả năng lưu trữ khí đốt của mình, vượt mục tiêu 85% vào cuối năm.
Cùng thời điểm, châu Âu đón một mùa thu ấm áp khác thường, làm giảm nhu cầu sưởi ấm trong nhà và văn phòng. Ông Marzec-Manser nói, mức giá cao gần đây cũng có thể khiến mọi người thận trọng hơn trong việc sử dụng năng lượng của họ. Kết quả là trong 8 tháng năm 2022, châu Âu đã tiêu thụ khí đốt ít hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Người dân đi bộ trong công viên tại Prague, Séc ngày 5/12. Châu Âu ghi nhận một mùa thu ấm bất thường trong năm nay. Ảnh: Anadolu
Các chuyên gia cho biết sự kết hợp giữa nguồn cung tăng và nhu cầu giảm phần nào giúp kiềm chế giá khí đốt. Ông Henning Gloystein tại công ty Eurasia Group (Mỹ) cảnh báo, mặc dù nó có thể giúp châu Âu tránh được tình trạng “thiếu hụt nghiêm trọng” trong mùa đông này, nhưng “sự thiếu hụt ngắn hạn, tạm thời” vẫn rất có thể xảy ra vào cuối mùa đông nếu nguồn cung mới bị gián đoạn. Ông Gloystein nhận định mức giá khí đốt tự nhiên thấp không đồng nghĩa với việc khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông đã kết thúc mà đơn giản là lượng dự trữ của châu Âu đang đầy.
Câu chuyện tương tự diễn ra với dầu mỏ. Nhà phân tích Hari Seshasayee tại Trung tâm Wilson (Mỹ) cho biết châu Âu vẫn đang mua dầu thô của Nga. Trên thực tế, vào tháng 9 châu Âu đã chi 260 triệu euro (266 triệu USD) mỗi ngày cho nhiên liệu hóa thạch của Nga. Mức này chỉ tương đương 1/4 của một tỷ euro (1,02 tỷ đô la) châu Âu chi trả mỗi ngày cho Nga trong tháng 4. Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã mua khối lượng kỷ lục dầu thô của Nga.
Do đó, nhu cầu dầu mỏ từ những nguồn khác như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh và Mỹ ít hơn so với trường hợp nguồn cung của Nga đóng băng. Ông Seshasayee nhận định điều đó đã ngăn giá dầu cao hơn nữa. Tuy nhiên, tất cả có thể sớm thay đổi.
Sự phục hồi giá
Một nhân viên trạm xăng đang làm việc tại Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 9. Ảnh: Reuters
Khi mùa đông bắt đầu đến, các chuyên gia dự đoán nhu cầu khí đốt ở châu Âu sẽ tăng lên, vào khoảng đầu năm 2023. Ông Gloystein nhận định “cũng có nghĩa là có nguy cơ giá tăng đột biến hơn nữa”. Hiện tại, giá khí đốt đã tăng hơn 40 phần trăm trong tháng qua. Các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu đã làm việc hết công suất để tăng khối lượng dự trữ cho mùa đông. Tuy nhiên, tồn tại rủi ro trước mắt.
Ngày 5/12, khi G7 áp giá trần lên dầu của Nga, Moskva cảnh báo có thể ngưng cấp dầu thô cho những nước tham gia kế hoạch kiểm soát giá. Ông Seshasyee phân tích: “Đơn giản là không có nguồn cung nào có thể thay thế hoàn toàn lượng dầu Nga cung cấp cho toàn thế giới”.
Ngoài ra, nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, đặc biệt là những nước ở Trung Đông và châu Phi, cũng là nhà nhập khẩu hàng đầu hàng hóa thiết yếu khác, như ngũ cốc. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine đang khiến giá lương thực tăng cao do vậy các quốc gia này sẽ không hào hứng với việc hạ giá dầu.
Yếu tố Trung Quốc
Trung Quốc từ lâu là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trong năm 2021, Trung Quốc cũng vượt Nhật Bản trở thành nước mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, chính sách zero-COVID của nước này đã tác động đến nền kinh tế, giảm nhu cầu đối với năng lượng. Theo ông Marzec-Manser, diễn biến này giúp “giải phóng” nguồn cung năng lượng mà thông thường châu Âu và thế giới phải cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế liên quan đến COVID-19 và một khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng trở lại, một cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra giữa châu Âu và Đông Bắc Á. Từ đây, giá dầu và khí đốt sẽ tăng.
Vai trò của nguồn năng lượng thay thế
Theo ông Gloystein, ngay cả khi xung đột Nga - Ukraine kết thúc, giá dầu nhiều khả năng vẫn không giảm như mức trước đây bởi châu Âu không muốn quay trở lại nhập khẩu lượng lớn khí đốt của Nga do lo sợ lại phụ thuộc vào năng lượng của Moskva.
Các chuyên gia cho rằng cách duy nhất để giá dầu mỏ và khí đốt có thể quay trở về mức trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát là nguồn năng lượng mới xuất hiện, dù là năng lượng hóa thạch hay tái tạo. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra trong 2 năm tới.
Các dự án lớn mới dự kiến đến năm 2024 và 2025 mới đi vào khai thác ví dụ như dự án tại Texas (Mỹ) do Qatar Petroleum và ExxonMobil cấp vốn. Ngoài ra, viện nghiên cứu Agora Energiewende (Đức) vào đầu năm nay đánh giá có thể phải đến năm 2027 châu Âu mới có thể thay thế 80% lượng khí đốt nhập khẩu của Nga (trước khi xung đột xảy ra) bằng năng lượng sạch.