Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế toàn cầu đương đầu với nhiều năm tăng trưởng chậm, triển vọng kinh tế trong trung hạn yếu nhất trong hơn 30 năm, theo nội dung bài báo mới được Financial Times đăng tải.
Phát biểu tại Washington trước thềm cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần tới, bà Kristalina Georgieva lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 3% trong vòng 5 năm tới.
Nếu kịch bản trên thành hiện thực, mức tăng trưởng kinh tế 3% như vậy thấp hơn ngưỡng trung bình 3,8% của hai thập kỷ vừa qua, đồng thời nó cũng là triển vọng tăng trưởng trung hạn kém nhất tính từ năm 1990.
Trong nhiều thập kỷ từ đó đến nay, toàn cầu hóa đã giúp tăng mức tăng trưởng và đưa được hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo. Thế nhưng khi mà làn sóng bảo hộ thương mại tăng lên và nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc hiện giờ giàu có hơn, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ chững lại.
Giám đốc điều hành IMF chỉ ra những “lực cản” với tăng trưởng kinh tế bao gồm sự phân cực về kinh tế và căng thẳng địa chính trị.
Bà khẳng định: “Con đường trở lại với tăng trưởng cao đầy gập ghềnh. Triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu đồng nghĩa sẽ khó hơn nếu muốn giảm đói nghèo, hàn gắn các “vết sẹo” kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời mang đến cơ hội mới và tốt hơn cho tất cả mọi người”.
Đối với những quý tới, IMF hiện đang ủng hộ quan điểm từ nhiều nước thuộc OECD và nhiều tổ chức quốc tế khác liên quan đến việc các ngân hàng trung ương nên duy trì lãi suất cao. Bà Georgieva nói rằng việc xử lý lạm phát có thể mang đến nền tảng cho triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Cũng theo bà Georgieva, vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank và Credit Suisse bộc lộ những thất bại về quản trị rủi ro tại một số ngân hàng, đặc biệt công tác giám sát cũng có những vấn đề. Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng đã hành động nhanh chóng và tổng thể trong những tuần gần đây.
Bà Georgieva tin rằng tình hình mất ổn định tài chính cần phải được giải quyết thông qua việc ngân hàng trung ương các nước bơm thanh khoản dồi dào nhằm giúp các ngân hàng xử lý khó khăn về vốn. Tuy nhiên nếu tình hình rối loạn tiếp diễn, bà thừa nhận giới chức tiền tệ có thể phải thay đổi quan điểm và hạ lãi suất.
Theo kịch bản đó, các ngân hàng trung ương sẽ phải chấp nhận đánh đổi giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định tài chính cũng như việc sử dụng các công cụ phù hợp. Cũng theo bà Georgieva, dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế của IMF dự kiến công bố vào tuần tới tạm thời sẽ chưa có nhiều thay đổi so với lần gần nhất dù kinh tế thế giới đã đón nhận một số diễn biến mới.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của khu vực Đông Âu và Trung Á lên 1,4% từ mức 0,1% trong dự báo trước đó, viện dẫn triển vọng của cả nền kinh tế Nga và Ukraine đã được cải thiện bất chấp xung đột.
Theo dự báo, kinh tế Ukraine sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm nay, sau khi suy giảm 29,2% trong năm 2022 do xung đột.
Tuyên bố của WB nêu rõ: “Việc mở lại các cửa khẩu của Ukraine tại Biển Đen và nối lại buôn bán ngũ cốc, cũng như sự hỗ trợ lớn của các nhà tài trợ, đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong năm nay."
Kinh tế Nga đã suy giảm 2,1% trong năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức suy giảm 3,5% mà WB dự báo hồi tháng 1/2023.
Điều này đã cải thiện nền tảng kinh tế của Nga trong năm 2023 dù WB dự báo tăng trưởng trong năm nay đạt 3,1%-thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2023.