Tỷ giá hối đoái giữa đồng won và đồng USD tại thị trường ngoại hối Seoul đóng cửa phiên giao dịch 7/9 ở mức 1.384,2 won đổi 1 USD, tăng 12,5 won.
Đây là lần đầu tiên tỷ giá won/USD vượt mốc 1.380 won đổi 1 USD trong vòng 13 năm 5 tháng, kể từ sau tháng 4/2009, thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tỷ giá won/USD đã phá vỡ mức cao nhất của năm trong 6 phiên liên tiếp, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo nâng tiếp lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuối tháng 9/2022.
Ngoài ra, việc Nga dừng cung cấp khí đốt thiên nhiên khiến nhiều ý kiến lo ngại về khó khăn cho nền kinh tế châu Âu, làm đồng USD càng tăng giá trị hơn nữa. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đóng cửa phiên giao dịch 7/9 ở mức 2.376,46 điểm, giảm 33,56 điểm (1,39%).
Trong khi đó, số liệu công bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 7/9 về cán cân tài khoản vãng lai cho biết cán cân thương mại hàng hóa tháng 7/2022 đã thâm hụt 1,18 tỷ USD, lần thâm hụt đầu tiên kể từ tháng 4/2014. Nguyên nhân là do xuất khẩu tăng 6,9% nhưng nhập khẩu lại tăng vọt tới 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhập khẩu nguyên vật liệu tăng tới 35,5%; nhập khẩu năng lượng như dầu thô, than đá, khí thiên nhiên, chế phẩm dầu mỏ tăng vọt 73,7% so với một năm trước.
BoK cho rằng mức thâm hụt tăng cao như vậy là do giá nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng trên thị trường thế giới tăng cao trong khi giá trị xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm mạnh do kinh tế nước này suy thoái.
Báo Joongang Ilbo dẫn phân tích của giới chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng các yếu tố tác động đến nền kinh tế Hàn Quốc nêu trên sẽ không thể được giải quyết trong một thời gian ngắn. Giá năng lượng và hàng hóa tăng nhanh chủ yếu bắt nguồn từ sự mất cân bằng ngày càng sâu sắc trong thương mại toàn cầu do cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn và kéo dài hơn dự kiến.
Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiếp tục giảm mạnh hơn nữa nguồn cung khí đốt cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga khiến giá năng lượng tăng vọt và Hàn Quốc phải đối mặt với nguy cơ cán cân thương mại tiếp tục xấu đi.
Trong bối cảnh đó, thương mại của Hàn Quốc thâm hụt 9,47 tỷ USD trong tháng 8/2022, mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 1956, khi chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu thương mại.
Giới phân tích cũng cho rằng, một xu hướng nổi lên là sự giảm giá của tất cả các đồng tiền lớn trên toàn cầu như đồng yen của Nhật Bản và đồng NDT của Trung Quốc. Đồng tiền của các đối thủ thương mại của Hàn Quốc cũng đồng loạt giảm giá mạnh, thậm chí mạnh hơn cả đồng won.
Giá trị của đồng yen đã giảm xuống mức 142 yen/USD trong phiên giao dịch 7/9, mức giảm mạnh hơn so với đồng won. Đồng yen đã giảm 42% so với đồng USD tính từ thời điểm tháng 1/2021. Đồng NDT không phải là ngoại lệ.
Giới phân tích nhận định rằng khả năng đồng won của Hàn Quốc có thể giảm mạnh xuống mức 1.500 won/USD trong tương lai gần nếu như Mỹ nâng mức lãi suất cơ bản lên 3,4% vào cuối năm nay. Nếu động thái này được Fed thực hiện đúng lộ trình thì thị trường tài chính toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục có những chấn động mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng nếu kịch bản trên diễn ra và khi đó nếu BoK thực hiện động thái tăng lãi suất bổ sung, nền kinh tế Hàn Quốc khó có thể chịu đựng mức chênh lệch tỷ giá ngày càng nới rộng giữa đồng won với USD. Tình hình đó sẽ đẩy đồng won tiếp tục lao dốc.
Tình hình dường như không khả quan như phát biểu của Thống đốc BoK Rhee Chang-yong trong một buổi họp báo mới đây và vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần nhanh chóng áp dụng đồng bộ các biện pháp tổng thể để ngăn chặn sự suy giảm của đồng nội tệ và thâm hụt trong cán cân thương mại.
Bối cảnh kinh tế quốc tế đã khá rõ ràng và vì thế không thể tiếp tục đổ lỗi cho khách quan. Nếu chính phủ không nhanh chóng có biện pháp kiếm soát, Hàn Quốc có thể rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại hối khác.