Mốc 1.000 điểm khó bị phá vỡ
Tại hội thảo chủ đề “La bàn giữa vùng biển động” mới diễn ra tại TP.HCM, ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, có một số yếu tố giúp thị trường Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư tổ chức từ các nước.
Thứ nhất, dân số Việt Nam trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng lên. Đây là yếu tố được nhiều trong quá khứ và hiện tại còn có giá trị.
Thứ hai, sự bùng nổ đầu tư FDI, cánh cửa cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều quốc gia khác. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục là quốc gia hưởng lợi từ xu hướng đầu tư trực tiếp. Các nhà sản xuất đã chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và nơi họ hướng tới là Việt Nam.
Thứ ba là định giá. Chỉ số VN-Index đang giao dịch tương ứng P/E 2023 là 9-10 lần. Đây là mức thấp nhất trong khu vực châu Á ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, ông Matthew Smith nhấn mạnh có những rủi ro, biến động toàn cầu đang khá rõ ràng. Cụ thể, nhìn vào lợi suất trái phiếu trong 4 thập kỷ thì lợi suất trái phiếu có xu hướng giảm đáng kể - cho thấy tiền đã rẻ hơn trong liên tiếp 40 năm. Tuy nhiên xu hướng này đang bị phá vỡ, điều này có nghĩa rằng xu hướng tiền rẻ có thể đã kết thúc.
Vừa qua, các ngân hàng Mỹ gặp các vấn đề chủ yếu liên quan đến việc nắm giữ trái phiếu, những trái phiếu đã giảm 30% khiến thanh khoản các ngân hàng Mỹ gặp rất nhiều khó khăn.
Việt Nam cũng có một số biến động trong 2022. Trong khi GDP tăng 8% là một trong những quốc gia tăng mạnh nhất trên thế giới, nhưng thị trường chứng khoán giảm 40%. Ngoài các nguyên nhân thanh khoản thắt chặt như các quốc gia khác, Việt Nam còn có nhiều vấn đề hơn, liên quan trái phiếu, thị trường bất động sản.
Một nguyên nhân nữa khiến thị trường giảm mạnh quý 3/2022 là việc vay ký quỹ quá mức. Mức cao nhất trong năm 2022 là 170.000 tỷ đồng, là mức kỷ lục. Khi đó, mức vay ký quỹ/vốn hoá tự do đạt mức cao 68%, và nay đã giảm, còn khoảng 1/2 so với mức đỉnh vào năm ngoái.
Nhưng chuyên gia này nêu, điểm đáng mừng là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng liên tiếp trong quý 4/2022. Trong chuyến đi năm ngoái để giới thiệu cơ hội đầu tư ở các nước khác, các chuyên gia của Yuanta đã khuyến nghị nhà đầu tư ngoại mua vào ở giai đoạn thị trường giảm mạnh.
“Tháng 9/2022, VN-Index về gần 900 điểm, nhưng thị trường đã hồi phục tăng 20%. Tôi cho rằng có lẽ, thị trường đang hồi phục và trở lại bull market”, ông Matthew Smith nhận định.
Về triển vọng 2023, chuyên gia này cho rằng điều kiện thanh khoản của hệ thống tài chính sẽ được nới lỏng hơn. Phía Yuanta dự báo rằng, có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ vào nửa cuối 2023, nhưng thực tế đang diễn ra sớm hơn kỳ vọng. Khi lãi suất giảm có lợi cho các tài sản tài chính và các tài sản có xu hướng tăng giá.
Vị này cho rằng, giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thì có thể tạo áp lực lên VNĐ và NHNN sẽ cần cẩn thận hơn trong việc giảm lãi suất trong thời gian tới. Khách hàng tổ chức thường xuyên quan tâm tiền đồng trước áp lực của Fed.
“Định giá ở hiện tại P/E khá thấp, chúng tôi dự báo năm 2023 VN-Index đạt 1.300 điểm. Nhiều nhà đầu tư cho là chúng tôi thận trọng, nhưng cần chờ thêm thời gian để một số thông tin xuất hiện trên thị trường liên quan chính sách, lãi suất thì mới kết luận được. Nhưng tôi cho rằng, mức 1.000 điểm khó bị phá vỡ trong thời gian tới”, Giám đốc Nghiên cứu Yuanta chia sẻ.
Về việc nâng hạng thị trường Việt, vị này cho rằng khó xảy ra trong ngắn hạn, trong 2023 thậm chí 2024.
Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản đã hấp dẫn?
Ngân hàng là một trong các ngành được ông Matthew Smith khuyến nghị đầu tư. Cụ thể, lựa chọn là các cổ phiếu ngân hàng có chất lượng cao. Trong báo cáo phát hành mới đây, các chuyên gia Yuanta cập nhật đánh giá chất lượng 27 ngân hàng niêm yết trên HOSE, HNX, UPCoM đại diện về vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản lý, lợi nhuận, tính thanh khoản.
“Các lựa chọn hiện tại của chúng tôi ACB, VCB, MBB. Nhiều người lo lắng MBB nắm giữ nhiều trái phiếu nên khá rủi ro. Nhưng tôi cho rằng mức P/B dưới 1 lần như hiện tại thì MBB khá hấp dẫn”, vị này đánh giá.
Công ty cũng có báo cáo đánh giá 20 nhà phát triển bất động sản, tập trung phân tích đánh giá chất lượng bảng cân đối kế toán, dòng tiền, nợ, xem xét doanh nghiệp nào có thể vượt qua khó khăn. Cổ phiếu ưa thích hiện tại là KDH, với nhận định doanh nghiệp có chất lượng cao.
Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay với nhóm cổ phiếu bất động sản là trong thời gian 2 năm tới có nên đầu tư vào ngành bất động sản hay không?
“Tôi cho rằng định giá hiện nay thì tương đối thấp, đầu tư vào cổ phiếu bất động sản sẽ có tính quyết định về hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại dù định giá rẻ nhưng với giao dịch ngắn hạn thì chúng tôi chưa sẵn sàng gọi mua với cổ phiếu, ngoài KDH. Có lẽ nên đợi một chu kỳ mới của lĩnh vực bất động sản rõ ràng hơn để đưa ra quyết định đầu tư trong thời gian tới”, chuyên gia này chia sẻ.
Ngoài ra, báo cáo của Yuanta cũng phân tích các lĩnh vực khác như năng lượng. Một số cổ phiếu ưa thích như POW, PC1. Trong 2023, có thể thấy rằng, tình hình thuỷ văn không thuận lợi cho doanh nghiệp thuỷ điện, nên doanh nghiệp nhiệt điện trở nên hấp dẫn hơn, có thể giành nhiều thị phần hơn trong phát điện.
Ở lĩnh vực tiêu dùng, ngành hàng xa xỉ được nhận định ít bị tác động hơn là tiêu dùng khác. Chuyên gia đánh giá, PNJ vẫn là lựa chọn hàng đầu. Về công nghiệp có thể quan tâm tới BWE, DHC vì mang tính phòng thủ.
Về chứng khoán, là nhóm mang tính đầu cơ. Nếu nhà đầu tư cho rằng thị trường sắp tạo đáy và có thể tăng thời gian tới thì cổ phiếu chứng khoán rất đáng quan tâm. Hai cổ phiếu ngành này có thể lựa chọn là VCI và SSI.