Hôm nay (1/11), liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính - Công Thương ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.
Như vậy sau khi điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, giá bán là 21.870 đồng/lít.
Giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá bán là 22.750 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít, giá bán là 25.070 đồng/lít.
Dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán là 23.780 đồng/lít.
Dầu mazut tăng 190 đồng, giá bán là 13.890 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng trong nước đã trải qua 29 lần điều chỉnh giá, trong đó có 16 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đặc biệt tại thời điểm đầu tháng 10 cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại, sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối thì đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy sản xuất tiếp, các doanh nghiệp nhập khẩu trong kỳ theo kế hoạch.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29/10 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh là do nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao. Gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng nguyên nhân chính là do nguồn cung không ổn định.
“Giá biến động lớn, phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, thua lỗ liên tục nên đã phải cắt giảm các chi phí kinh doanh, trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh, cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.