Bên cạnh đó, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng Mười giảm 46 xu (0,6%) xuống 77,20 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Chín giảm 33 xu (0,4%) xuống 74,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng Mười giảm khoảng 49 xu xuống còn 73,17 USD/thùng.
Ngày 19/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhất trí với “đề xuất bắc cầu” do Washington đưa ra để giải quyết những bất đồng cản trở thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, đồng thời hối thúc lực lượng Hamas có động thái tương tự.
Nhà phân tích Svetlana Tretyakova của công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ vẫn rất nhạy cảm với bất kỳ diễn biến nào trong khu vực.
Về phía nguồn cung, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cho rằng nhu cầu dầu thế giới cần tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng tới. Nếu không, thị trường sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kế hoạch tăng cung của tổ chức này từ tháng Mười.
Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là thành viên của OPEC, cho biết xuất khẩu dầu thô giảm từ 6,118 triệu thùng/ngày trong tháng Năm xuống 6,047 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu.
Trong khi đó, những số liệu từ kinh tế Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.