Giá dầu giảm hơn 2USD/thùng và xuống mức thấp nhất trong 2 tuần vào ngày thứ Tư khi mà nhà đầu tư trở nên lo lắng về khả năng dữ liệu gần đây có thể khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới tiến hành nâng lãi suất mạnh tay hơn, thực tế này gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 4/2023 tăng 2,45USD/thùng tương đương 3% lên 80,60USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao hợp đồng tương lai cùng tháng giảm 2,41USD tương đương 3% xuống 74,05USD/thùng.
Biên bản từ cuộc họp gần nhất của Fed cho thấy rằng phần đông các quan chức thuộc Fed đồng ý rằng rủi ro lạm phát cao hiện vẫn là yếu tố quan trọng định hình chính sách tiền tệ và chắc chắn sẽ có những đợt nâng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát.
“Dù rằng số liệu kinh tế Mỹ tích cực hơn có thể đồng nghĩa với nhu cầu dầu tốt hơn, mối lo hiện đây chính là điều này khiến cho Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhằm kiểm soát lạm phát”, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng UBS – ông Giovanni Staunovo phân tích.
Chỉ số đồng USD tăng đến phiên thứ 2, chính vì vậy giá trị của những tài sản được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Một số báo cáo kinh tế khác của Mỹ, tuy nhiên, cũng cho thấy những vấn đề mà đất nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đang đối mặt. Doanh số bán bất động sản đang sử dụng trong tháng 1/2023 rơi xuống thấp nhất tính từ tháng 10/2010.
Dự trữ dầu thô Mỹ tăng khoảng 9,9 triệu thùng trong tuần trước, theo những nguồn tin viện dẫn số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ công bố vào ngày thứ Tư. Dự trữ dầu tại Mỹ đã tăng không ngừng qua các tuần tính từ giữa tháng 12/2022, nó khiến cho nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu dầu tại Mỹ.
Kết quả khảo sát của Reuters đã nói đến việc dự trữ dầu thô nhiều khả năng đã tăng thêm 2,1 triệu thùng trong tuần trước. Số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm lúc 11h sáng.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố báo cáo hàng tồn kho cũng trong cùng ngày.
Nhu cầu dầu thô nhìn chung giảm đi khi mà các doanh nghiệp lọc dầu tại Mỹ cũng đang trong quá trình bảo trì, theo chuyên gia phân tích tại Price Group – ông Phil Flynn.
Theo tính toán của công ty nghiên cứu năng lượng IIR, ước tính công suất sản xuất của doanh nghiệp Mỹ sẽ sụt giảm khoảng 1,44 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/3/3023.
Hiện tại nhiều khu vực của nước Mỹ đang trải qua tình trạng bão tuyết, ước tính khoảng 3.500 chuyến bay bị hoãn hoặc hủy trên khắp đất nước, theo công ty nghiên cứu FlightAware.com.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần đây nhất phát đi thông điệp rằng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm đi, tuy nhiên không đủ để làm giảm đi yêu cầu bức thiết của việc cần phải tăng lãi suất, theo biên bản cuộc họp công bố vào ngày thứ Tư.
Dù rằng cuộc họp vào ngày 31/1 và 1/2/2023 đã kết thúc với việc nâng lãi suất ở mức độ thấp hơn các lần trước tính từ đầu năm 2022, các quan chức nhấn mạnh rằng nỗi lo về lạm phát cao của họ còn lâu mới qua.
Lạm phát hiện vẫn ở trên ngưỡng mục tiêu 2% của Fed, biên bản cuộc họp nhấn mạnh. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn quá thiếu nguồn cung, đồng thời nó tạo ra áp lực lớn hơn lên lương thưởng và giá cả.
Nhìn chung, Fed chấp thuận nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đây là lần nâng lãi suất ở mức độ thấp nhất từ khi chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ bắt đầu. Lãi suất cơ bản đồng USD hiện ở mức 4,5% đến 4,75%. Biên bản cuộc họp cho thấy rằng việc tốc độ điều chỉnh lãi suất được giảm đi, nó vẫn tạo ra nỗi lo rằng lạm phát thực sự là mối họa.
“Các thành viên của Fed nhấn mạnh rằng số liệu lạm phát trong 3 tháng qua cho thấy tốc độ tăng của giá cả giảm đi, tuy nhiên cũng khẳng định sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy cần phải có một sự giảm giá hàng hóa trên diện rộng để có thể tin lạm phát đang thực sự đi xuống”, biên bản cuộc họp nhấn mạnh.