Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng cao trong ngày giao dịch đầy biến động. Tính cả tuần, giá dầu không có nhiều biến động.
Giá dầu được hỗ trợ bởi khả năng xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm, tuy nhiên lại chịu áp lực từ việc dự trữ tại Mỹ tăng cao và những lo lắng liên quan đến hoạt động kinh tế toàn cầu lớn dần.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 4/2023 trên thị trường London đóng cửa ở mức 83,16USD/thùng, mức tăng ghi nhận 95 cent tương đương 1,2%.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai cùng thời hạn tăng 93 cent tương đương 1,2% lên 76,32USD/thùng. Trước đó trong phiên, cả hai loại giá dầu giảm hơn 1USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu không có nhiều thay đổi.
Khối lượng giao dịch thấp không khỏi gây ra biến động giá dầu, khối lượng giao dịch dầu Brent và dầu WTI thấp hơn lần lượt 58% và 90% so với mức của phiên trước đó.
Ở thời điểm đúng 1 năm tính từ ngày căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát, giá dầu thô Brent thấp hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Vào ngày 8/3/2022, giá dầu từng chạm mốc 128USD/thùng, cao nhất trong 14 năm.
Cả hai loại giá dầu tăng khoảng 2% trong phiên liền trước bởi kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng sang phương Tây lên đến 25% từ tháng 3/2023, như vậy mức cắt giảm này tương đương khoảng hơn 500.000 thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên thị trường dường như vẫn có nguồn cung đầy đủ, tồn kho của Mỹ ở ngưỡng cao nhất tính từ tháng 5/2021, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Một chỉ báo quan trọng về nguồn cung tương lai chính là số lượng giàn khoan dầu của Mỹ. Số lượng giàn khoan dầu Mỹ trong tuần này giảm xuống còn 600, trong khi đó tổng số giàn khoan dầu tính trong năm vừa qua vẫn tăng 103 giàn khoan tức tương đương 15,8%, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Cùng lúc đó, xuất hiện thêm những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm dầu thô và chế phẩm từ dầu của Nga đang ngày một nhiều hơn tại các tàu neo ở cảng biển, nó đồng thời cho thấy rằng nguồn cung sẽ tăng dần.
Trong nghiên cứu mới công bố, JP Morgan nhấn mạnh giá trong ngắn hạn nhiều khả năng sẽ giảm xuống ngưỡng khoảng 70USD/thùng khi mà những yếu tố bất lợi liên quan đến kinh tế toàn cầu mạnh hơn và trở nên lớn hơn so với thông tin liên quan dự trữ ngầm của Nga.
JP Morgan cũng cho biết họ kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hạn chế sản xuất nhằm hạn chế đà suy giảm của giá dầu.
Biên bản từ cuộc họp lần gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy rằng phần đông các quan chức Fed vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn về lạm phát và điều kiện trên thị trường lao động, như vậy nhiều khả năng sẽ vẫn có những đợt siết chặt chính sách tiền tệ.
Khả năng lãi suất tiếp tục tăng cao không khỏi hỗ trợ cho chỉ số đồng USD, chỉ số này nhiều khả năng đang hướng đến tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Tính từ đầu tháng 2/2023 đến nay, chỉ số đã tăng được 2,5%.
Chuyên gia tại công ty tư vấn Ritterbusch, ông Jim Ritterbusch, nói: “Dù rằng việc giảm nguồn cung của Nga chắc chắn khiến cho nhà đầu tư trên thị trường phải có những cân nhắc, diễn biến giá dầu trong tháng vừa qua gửi đi thông điệp rõ ràng rằng lãi suất tại Mỹ tăng cao chịu ảnh hưởng bởi biên bản của Fed”.
Đồng USD mạnh lên khiến cho giá hàng hóa tính bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.