* Dầu dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp
Giá dầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 13/8 tại thị trường châu Á, phá vỡ chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, khi thị trường lại dồn sự chú ý vào những quan ngại về nhu cầu sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 12/8 cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu vào năm 2024 do kỳ vọng nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giảm 57 xu, tương đương 0,7%, xuống 81,73 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn của Mỹ giảm 48 xu, tương đương 0,6%, xuống 79,58 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 3% vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/8, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng hơn 4%. Việc OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 đã nêu bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà tổ chức này cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, phải đối mặt trong việc tăng sản lượng từ tháng 10 tới.
Đây là lần đầu tiên OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2024 kể từ khi dự báo này được đưa ra vào tháng 7/2023, giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp hơn so với kỳ vọng do mức tiêu thụ dầu diesel sụt giảm và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết: “Những lo ngại về nhu cầu dầu thô vẫn còn tồn tại”, đồng thời cho biết thêm rằng tâm lý giao dịch dè dặt diễn ra trước dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ.
Các nhà đầu tư vẫn theo dõi những căng thẳng địa chính trị mới nhất. Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, xung đột ở Trung Đông đang leo thang. Điều này có thể làm giảm khả năng tiếp cận nguồn cung dầu thô toàn cầu và khiến dầu tăng giá.
* Giá vàng giảm trước số liệu PPI của Mỹ
Giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 13/8, giữa bối cảnh hoạt động chốt lời diễn ra sôi động sau khi giá vàng đạt mức cao nhất trong hơn một tuần. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, điều có thể cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về quyết sách tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, phiên chiều 13/8, tại sàn giao dịch Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 2.461,71 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước đó và chạm mức cao nhất kể từ ngày 2/8 vào đầu phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,1% xuống 2.502,00 USD//ounce.
Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường trưởng của KCM Trade, cho biết: “Vàng đã có một khởi đầu tuần mới vững chắc, mặc dù giảm nhẹ vào phiên này do hoạt động chốt lời. Giá vàng sẽ được hưởng lợi nếu dữ liệu sắp tới cho thấy lạm phát của Mỹ dịu xuống. Điều này sẽ khơi dậy kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ vào tháng Chín tới”.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi số liệu về chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7/2024 của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 13/8 và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 14/8 để đánh giá khả năng cắt giảm lãi suất của Fed.
Theo CME FedWatch Tool, thị trường đặt cược khoảng 50% khả năng lãi suất của Fed sẽ giảm 0,50 điểm phần trăm vào tháng Chín. Môi trường lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng - vốn là tài sản không sinh lời.
Ông Waterer cho biết: “Nếu thị trường trở nên lạc quan hơn về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất, điều này có thể đẩy giá vàng tăng lên mức 2.500 USD/ounce”.
Cũng ngày, giá bạc giao ngay giảm 1,3% xuống 27,64 USD/ounce, bạch kim giảm 0,2% xuống 934,95 USD/ounce và giá palladium giảm 0,7% xuống 913,25 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, chiều ngày 13/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78 - 80,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
*Chứng khoán châu Á đảo chiều tăng
Chứng khoán châu Á đảo chiều tăng trong phiên 13/8, khi lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, từng khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn vào tuần trước, đã dịu bớt. Trong khi đó, thị trường vẫn thận trọng chờ đợi dữ liệu về lạm phát của Mỹ nhằm định hình rõ hơn các quyết sách của Fed trong tương lai.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ phiên đầu tuần ngày 12/8, thị trường chứng khoán Tokyo kết thúc phiên 13/8 với mức tăng mạnh với chỉ số Nikkei tăng hơn 3%, được hỗ trợ bởi sự gia tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ và sự mất giá của đồng yen so với đồng USD. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,45%, lên 1.207,51 điểm, mức cao nhất kể từ đợt giảm giá mạnh của chứng khoán toàn cầu vào dầu tuần trước.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc khép phiên 13/8 với mức tăng nhẹ do các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ nhằm đánh giá định hướng chính sách tiền tệ của Fed. Chỉ số Kospi tăng 3,2 điểm, tương đương 0,12%, lên 2.621,50 điểm.
Các nhà quan sát cảnh báo rằng báo cáo về lạm phát của Mỹ có thể khiến thị trường biến động mạnh theo cả hai hướng; nếu chỉ số lạm phát yếu hơn dự kiến sẽ làm tăng thêm lo ngại về nền kinh tế, còn nếu chỉ số lạm phát mạnh có thể làm giảm kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed.
Chuyên gia phân tích Luca Santos của công ty chứng khoán ACY Securities cho biết: “Một trong những rủi ro lớn đối với thịt rường hiện tại là thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed. Nếu Fed trì hoãn việc nới lỏng chính sách tiền tệ, kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng suy giảm sâu hơn, dẫn đến suy thoái kinh tế".
Các thị trường chứng khoán Sydney của Australia, Bangkok của Thái Lan, Singapore, Wellington của New Zealand, Manila của Philippines và Jakarta của Indonesia cũng đồng loạt tăng điểm.
Tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều trong phiên này. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,34%, lên 2.867,95 điểm, song chỉ số Hang Seng giảm nhẹ 0,1%, xuống 17.128,78 điểm.
Cũng trong phiên này, tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (0,09%), lên 1.230,42 điểm. Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index hạ 0,59 điểm, xuống 230,18 điểm. Cả hai chỉ số này đều chứng kiến phiên tăng mạnh vào đầu tuần này (ngày 12/8), giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.230 điểm.