Giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều tăng 1,4% trong tuần này. Trải qua các phiên giao dịch trầm lắng trong tuần giao dịch ngắn ngày do kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, giá dầu vẫn đi lên nhờ lực đẩy từ báo cáo cho thấy lượng tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/12, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 92 xu (tương đương 1,2%) lên 74,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 98 xu (tương đương 1,4%) lên 70,60 USD/thùng.
Phiên đầu tuần này (ngày 23/12), giá dầu thế giới giảm nhẹ trong một phiên giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ do đà tăng của đồng USD lo ngại về tình trạng dư cung trong năm tới.
Các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Macquarie dự báo rằng tình trạng dư cung sẽ ngày càng gia tăng trong năm 2025. Điều này sẽ khiến giá dầu Brent trung bình chỉ đạt mức 70,50 USD/thùng, thấp hơn so với mức trung bình 79,64 USD/thùng của năm 2024.
Ngoài ra, một nghiên cứu từ tập đoàn lọc hóa dầu Sinopec của Trung Quốc cũng cho thấy mức tiêu thụ dầu của quốc gia này có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, và điều này cũng gây áp lực lên giá dầu.
Tuy nhiên, thị trường đảo chiều tăng ngay trước thềm lễ Giáng sinh, do lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters được công bố trong tuần này cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ được dự đoán giảm khoảng 1,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 20/12.
Số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) lại cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước.
Các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng FGE dự kiến trong ngắn hạn giá dầu sẽ dao động quanh mức hiện tại, khi hoạt động giao dịch giảm trong dịp nghỉ lễ và các nhà đầu tư muốn có được một cái nhìn rõ ràng hơn về cán cân dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025.
Một số nhà phân tích cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu có thể tăng lên trong vài tháng tới.
Phiên cuối tuần ngày 27/12, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 20/12, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động và mùa lễ hội đã thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Con số này lớn hơn nhiều so với các dự báo được công bố trước đó.
Sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng làm dấy lên hy vọng về nhu cầu cao hơn trong năm 2025 từ quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu này.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 và năm 2025. Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã đồng ý phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 411 tỷ USD) vào năm 2025, khi Bắc Kinh hành động để phục hồi nền kinh tế trì trệ.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dường như đang “nóng” trở lại sau nhiều sự kiện trong tuần này và có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu vào năm 2025. Trong khi đó, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan và Anh tăng vọt trong bối cảnh hy vọng mờ nhạt về một thỏa thuận mới để vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới, đánh dấu đợt điều chỉnh giảm của tổ chức này trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Trong báo cáo thị trường dầu tháng 12, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,61 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm khoảng 210.000 thùng/ngày so với mức tăng 1,82 triệu thùng/ngày dự báo vào tháng trước.
OPEC cho rằng việc điều chỉnh này là do dữ liệu cập nhật trong ba quý đầu năm 2024, đặc biệt là "dữ liệu bi quan" trong quý thứ ba. Trong khi đó, OPEC ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 là 1,45 triệu thùng/ngày, giảm 90.000 thùng/ngày so với đánh giá của tháng trước là 1,54 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tổ chức này khẳng định rằng dự đoán đã điều chỉnh vẫn đánh dấu "mức tăng trưởng lành mạnh so với mức trung bình trước đại dịch COVID-19."
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung thị trường dầu mỏ thế giới sẽ dồi dào vào năm 2025, ngay cả sau khi OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là nhóm OPEC+, gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.
Triển vọng trên cho thấy những trở ngại liên tục đối với OPEC+, trong bối cảnh nhóm này đang tìm cách bắt đầu phục hồi sản lượng vào năm 2025 sau nhiều năm cắt giảm.
Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 yếu hơn dự kiến, phần lớn là do Trung Quốc. Sau nhiều năm thúc đẩy mức tiêu thụ dầu mỏ tăng, những thách thức kinh tế và sự chuyển dịch sang xe điện đang làm giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ tại quốc gia tiêu thụ lớn thứ hai thế giới.
Còn tập đoàn dầu khí China Petroleum & Chemical Corp (Sinopec) dự đoán mức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, khi nhu cầu xăng và dầu diesel đang suy yếu, đồng thời lưu ý rằng những chính sách sắp tới của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể ảnh hưởng không nhỏ tới ngành năng lượng của Trung Quốc.
Tập đoàn năng lượng nhà nước này cho biết, mức đỉnh vào năm 2027 sẽ không quá 800 triệu tấn, tương đương 16 triệu thùng/ngày. Đây là một dự báo rõ ràng hơn so với năm 2023, khi Sinopec dự đoán mức đỉnh khoảng 800 triệu tấn trong giai đoạn 2026-2030.
Con số này cao hơn mức 750 triệu tấn tiêu thụ trong năm 2024. Theo dự báo của Sinopec, mức tiêu thụ năm 2024 giảm khoảng 10 triệu tấn so với năm 2023 và là năm giảm thứ hai trong 20 năm qua.
Sản lượng dầu thô của Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt 215 triệu tấn vào năm 2025, với công suất lọc dầu từ 960-970 triệu tấn/năm. Theo dữ liệu của chính phủ, sản lượng dầu thô của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1-11/2024 là 194,92 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Sinopec cũng cho rằng mức tiêu thụ khí tự nhiên của Trung Quốc có thể đạt đỉnh sớm hơn nhưng ở mức cao hơn so với dự báo năm 2023. Đến năm 2030, mức tiêu thụ khí tự nhiên của Trung Quốc được dự đoán đạt 570 tỷ m3 (bcm) và ổn định ở mức khoảng 620 bcm trong giai đoạn 2035-2040.
Trong dự báo năm 2023, Sinopec cho biết mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc sẽ ổn định ở mức 610 bcm vào khoảng năm 2040. Sinopec cho biết thêm, mức tiêu thụ khí tự nhiên được dự báo là 458 bcm vào năm 2025, tăng 6,6% so với năm 2024.