Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của EVF đạt 455,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2021 và hoàn thành vượt mức kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.
Cụ thể, trong năm 2022 vừa qua, EVF ghi nhận tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 2.666,7 tỷ đồng, tăng mạnh gần 51% so với năm 2021. Thu nhập lãi thuần đạt 919,2 tỷ đồng tăng 17% và đóng góp 80% vào tổng thu nhập hoạt động.
Ngoài thu nhập từ lãi thuần, lợi nhuận của EVF không đến từ hoạt động ngoại hối và chứng khoán đầu tư, mà được đóng góp bởi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 16,1 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác đạt 223,4 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần là 102,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng 10% so với năm 2021 do chi phí hoạt động được kiểm soát tốt đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 28,8%.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của EVF đạt hơn 42.197 tỷ đồng, tăng 30,3% so với năm 2021, hoàn thành 114%. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện, giảm 6% so với năm 2021.
Theo thuyết minh số 18, hoạt động phát hành giấy tờ có giá đạt số dư lên đến 10.254 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2021. Đáng chú ý là khoản huy động trái phiếu trên 5 năm là 1.725 tỷ đồng. Đây là giao dịch phát hành trái phiếu đầu tiên được bảo lãnh một phần tại Việt Nam, đồng thời EVF là tổ chức đầu tiên phát hành Trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh do ICMA công bố.
Về quy mô vốn chủ sở hữu, tại 31/12/2022 EVF đạt 4.335 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2021. Mức tăng này chủ yếu đến từ đóng góp của nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Được biết, trong tháng 1/2023, EVF được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 3.545 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công, EVF sẽ nâng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ hơn 3.500 tỷ đồng lên hơn 7.000 tỷ đồng.