Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm rất sâu, Dow Jones hạ mạnh trong ngày thứ Sáu sau báo cáo thị trường việc làm mới được công bố. Chứng khoán Mỹ đã khép lại một tuần sóng gió, nhà đầu tư từng hy vọng sẽ có chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhưng rồi cuối cùng họ lại thất vọng.
Theo WSJ, vài ngày qua, thị trường chứng khoán có vô cùng nhiều biến động khi mà nhà đầu tư chật vật đánh giá tình hình kinh tế sau khi quá nhiều số liệu trái chiều được công bố, họ gặp khó trong việc dự báo kinh tế sẽ diễn biến như thế nào và thực tế đó có ý nghĩa như thế nào với nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhảy vọt trong phiên ngày thứ Hai và phiên ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 và Dow Jones có 2 ngày tăng điểm mạnh nhất tính từ năm 2020. Các số liệu bi quan về sản xuất và việc làm khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed có thể làm chậm đà nâng lãi suất trong những tháng tới.
Tuy nhiên, đà phục hồi của thị trường không được duy trì. Các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường giảm trong 2 ngày liền sau đó, và rồi sau đó tiếp tục giảm trong ngày thứ Sáu khi mà những số liệu mới công bố cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn vững vàng.
Các doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng 263.000 việc làm trong tháng 9/2022, thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm xuống mức 3,5% từ mức 3,7% và như vậy ở ngưỡng thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Thông thường, số liệu về thị trường việc làm tích cực thường được coi như tin tốt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng số liệu của ngày thứ Sáu có thể coi như tin xấu cho thị trường bởi khi mà điều kiện trên thị trường lao động vẫn tốt, Fed nhiều khả năng sẽ vẫn phải nâng mạnh tay lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Nhiều nhà đầu tư lo sợ rằng việc Fed nâng lãi suất sẽ gây ra hiệu quả vượt quá việc hạ nhiệt tăng trưởng nền kinh tế mà đẩy nước Mỹ vào suy thoái.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 630,15 điểm tương đương 2,1% xuống 29.296,79 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 104,86 điểm tương đương 2,8% xuống 3.639,66 điểm; chỉ số Nasdaq mất 420,91 điểm tương đương 3,8% xuống 10.652,40 điểm.
Tính cả tuần, cả ba chỉ số vẫn tăng điểm sau ba tuần giảm liên tiếp. Khép lại tuần giao dịch đầy biến động, chỉ số Dow Jones tăng 2%; S&P 50 tăng 1,5% còn chỉ số Nasdaq tăng 0,7%.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại HSBC Global Private Banking, ông Willem Sels, nhận xét: “Chính triển vọng lãi suất là yếu tố quyết định diễn biến thị trường chứng khoán, yếu tố then chốt với môi trường lãi suất chính là thị trường lao động. Hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng thị trường lao động đã thực sự yếu đi”.
Sau báo cáo trên thị trường lao động, các chỉ số liên bang tương lai theo dõi bởi CME cho thấy thị trường đang dự báo nhiều hơn về khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng tới chứ không phải mức điều chỉnh lãi suất thấp như kỳ vọng của không ít nhà đầu tư.
Nhiều tuyên bố cứng rắn từ phía các quan chức của Fed trong ngày thứ Tư và ngày thứ Năm tuần này không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ về khả năng sẽ còn rất lâu Fed mới kết thúc quá trình siết chặt chính sách tiền tệ.
Các quan chức thuộc Fed nhấn mạnh rằng việc đưa lãi suất xuống dưới ngưỡng cao nhất trong 40 năm sẽ cần phải mất thời gian, cùng lúc họ không muốn rủi ro với việc ngừng nâng lãi suất quá sớm cho đến khi hoàn tất được mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thị trường chứng kiến sự sụt giảm của cổ phiếu tất cả các nhóm ngành trong ngày thứ Sáu. Cổ phiếu của toàn bộ 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 giảm điểm, cổ phiếu doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ viễn thông thuộc nhóm giảm sâu nhất. Nhà đầu tư gần đây đã vô cùng cẩn trọng với cổ phiếu công nghệ bởi việc Fed nâng lãi suất quá cao khiến cho nhiều nhà đầu tư ngại ngần hơn trong nắm cổ phiếu ngành này.