Đồng euro đang được giao dịch ở mức cao nhất so với đồng USD trong năm nay, trở thành “người chiến thắng” rõ ràng trước những biến động gần đây của thị trường tiền tệ toàn cầu.
Với việc vượt qua ngưỡng 1,10 USD đổi 1 euro mang tính biểu tượng, đồng tiền chung châu Âu đã tăng hơn 2,5% trong tháng 8/2024, đánh dấu tháng tăng trưởng tốt nhất của đồng tiền này kể từ tháng 11 năm ngoái.
Các nhà giao dịch, từng bị phân tâm bởi sự tăng vọt đột ngột của đồng yen sau quyết định tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và sự suy yếu của đồng USD trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất tăng cao, hiện đang tập trung chú ý đến đồng euro.
Hiện tại, đồng euro là đồng tiền mạnh thứ hai so với đồng USD trong năm nay, sau đồng bảng Anh.
Đồng tiền này cũng có tỷ trọng thương mại ở mức cao nhất trong lịch sử, một phần do sự suy yếu của các đồng tiền tại thị trường mới nổi.
Mặc dù được dự đoán sẽ chỉ tăng nhẹ, nhưng diễn biến đối với đồng euro vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
Ông Volkmar Baur, chuyên gia phân tích tiền tệ tại Commerzbank, cho biết: "Đây là câu chuyện về chênh lệch lãi suất. Lạm phát đang giảm ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, nhưng Fed dự kiến sẽ có động thái mạnh mẽ hơn trong việc hạ lãi suất (so với Ngân hàng Trung ương châu Âu-ECB). Điều này giúp thu hẹp khoảng cách lãi suất và tạo điều kiện để đồng euro mạnh lên.”
ECB, đã cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu vừa qua, có thể thực hiện thêm ít nhất hai lần cắt giảm, mỗi lần 25 điểm cơ bản.
Ngược lại, các nhà giao dịch nhận định Fed có thể cắt giảm lãi suất đến 94 điểm cơ bản trong ba cuộc họp còn lại của năm nay.
Đồng tiền châu Âu không phải là đồng tiền duy nhất mạnh lên so với đồng USD trong tháng 8/2024, nhưng đồng tiền này lại được coi là một “nơi trú ẩn” an toàn trong thị trường ngoại hối đầy biến động.
Đồng tiền châu Âu không phải là đồng tiền duy nhất mạnh lên so với đồng USD trong tháng 8/2024, nhưng đồng tiền này lại được coi là một “nơi trú ẩn” an toàn trong thị trường ngoại hối đầy biến động.
Trưởng bộ phận phân bổ tài sản vĩ mô và chiến lược toàn cầu Salman Ahmed tại Fidelity International cho biết: "Một số rủi ro đối với đồng euro đã giảm bớt như cuộc bầu cử ở Pháp. Giờ đây, câu chuyện chủ yếu xoay quanh quyết định của ngân hàng trung ương."
Mặc dù vậy các chuyên gia phân tích cho rằng đồng euro đang ở đỉnh của các biên độ giao dịch gần đây và do đó, không gian tăng trưởng của đồng tiền này không còn nhiều.
Commerzbank dự báo đồng euro sẽ được giao dịch ở mức 1,11 USD/euro vào cuối năm, không thay đổi so với hiện tại.
Trong khi đó, ING dự báo tỷ giá sẽ đạt 1,12 USD/euro trước khi giảm về 1,10 USD/euro, còn Bank of America dự đoán mức giá giao dịch là 1,12 USD/euro vào cuối năm nay.
Một biến số có thể ảnh hưởng đến đồng euro là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới.
Các nhà phân tích cho rằng trong kịch bản ông Donald Trump thắng cử với chính sách bảo hộ và các quyết định giảm thuế trong nước, lạm phát sẽ tăng, dẫn đến khả năng Fed siết chặt chính sách và đồng USD mạnh hơn.
Trong khi đó, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ Jane Foley của Rabobank lưu ý rằng sự gia tăng gần đây của đồng euro diễn ra khi đối thủ của ông Trump là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris củng cố vị thế trong các cuộc thăm dò.
Bà Foley nói: "Yếu tố có thể thực sự đẩy tỷ giá lên trên ngưỡng 1,10 USD/euro và duy trì mức này là chiến thắng của bà Harris, cùng sự chậm lại của kinh tế Mỹ".