Theo đài Sputnik (Nga), vào cuối tuần trước, nhiều người Israel đã đến Quảng trường Habima ở thủ đô Tel Aviv để phản đối chi phí sinh hoạt quá cao. Mối quan tâm chính của họ là giá bất động sản leo thang và một vấn đề quan trọng khác đó là chi phí nhiên liệu liên tục tăng vọt.
Kể từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu ở Israel đã tăng gấp 5 lần. Hồi tháng 1, mỗi lít xăng có giá chỉ 1,92 USD. Vào tháng 2, con số này lên tới 2,017 USD, tăng lên 2,12 USD vào tháng 3 và chạm mốc 2,24 USD vào tháng 4. Đến tháng 5, Israel đã ghi nhận mức tăng đột biến cao nhất - với mức phí chạm mốc 2,32 USD - mức cao nhất kể từ năm 2013. Nhưng cuối tuần này, giá nhiên liệu lại một lần nữa tăng vọt, lần này tăng thêm 0,10 USD/lít.
Giá nhiên liệu tăng liên tiếp đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân Israel. Theo ước tính, vào tháng 6 năm ngoái, mỗi hộ gia đình chỉ chi khoảng 297 USD/tháng cho nhiên liệu. Giờ đây, con số này ở mức 561 USD.
Tiến sĩ Alex Coman, chuyên gia kinh tế tại Đại học Tel Aviv, nhận định rằng tình trạng giá nhiên liệu tăng đột biến gần đây là do xu hướng toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường Israel. Ông giải thích: “Những gì chúng ta đang chứng kiến bắt nguồn từ nhiều yếu tố xảy ra đồng thời. Phương Tây đã tẩy chay năng lượng của Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Trong khi đó, dầu của Bắc Phi, đặc biệt là từ Libya – triển vọng phao cứu sinh khí đốt cho châu Âu - đã không đến được EU. Thêm vào đó, Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không bơm thêm dầu. Những yếu tố này đồng loạt đã khiến giá năng lượng tăng vọt”.
Tuy nhiên, không chỉ do tác động địa chính trị, chuyên gia Coman thừa nhận rằng chi phí nhiên liệu tăng cao còn chịu ảnh hưởng từ mức thuế mà Israel đã áp đặt đối với tất cả các sản phẩm liên quan đến năng lượng.
Giá nhiên liệu ở Israel cấu thành từ 3 yếu tố - bao gồm 30,5% quyết định bởi giá dầu trên thị trường quốc tế, 8,5% dành cho việc tiếp thị sản phẩm, 61% còn lại là do một loại thuế làm giàu ngân sách của các bang. Năm ngoái, chỉ riêng khoản thu từ loại thuế này đã mang về cho nhà nước Do Thái khoảng 6,5 tỷ USD.
Người dân Israel từ lâu đã phàn nàn về loại thuế này, được coi là cao nhất trong số nhiều quốc gia phát triển. Truyền thông địa phương đã đưa ra ví dụ về cách các địa phương đưa ra ý tưởng để giảm chi phí năng lượng, bao gồm cả việc cung cấp trợ cấp xăng dầu. Nhưng ông Coman nói rằng điều này khó có thể xảy ra ở Israel.
“Israel ban đầu đưa ra loại thuế này vì người ta tin rằng nếu bạn có đủ tiền để mua một chiếc ô tô, bạn sẽ phải có đủ tiền để trả cho nhiên liệu của nó. Mọi thứ đã được suy luận từ điều đó, và thuế vẫn được áp đặt. Các quan chức ở Jerusalem sẽ không muốn thay đổi bất cứ điều gì trong vấn đề này. Họ sử dụng số tiền này để giúp đỡ các tầng lớp dân cư nghèo hơn và cho các mục đích khác. Vì vậy, từ bỏ khoản thu này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của chúng tôi. Đây là điều mà chính phủ muốn tránh”, chuyên gia giải thích.
Trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN
Tuy nhiên, giờ đây, mọi thứ có thể đang thay đổi. Tuần trước, Thủ tướng Naftali Bennett tuyên bố sẽ ủng hộ việc giải tán Quốc hội, khởi động vòng thăm dò chung khác được ấn định vào đầu tháng 11. Ngay sau tuyên bố của ông, các chính trị gia đã bắt đầu đưa ra những cam kết trong chiến dịch tranh cử, thu hút sự ủng hộ của quần chúng bằng cách hứa sẽ giảm giá nhiên liệu. Nhưng theo ông Coman, dù những cam kết này được đảm bảo, chúng cũng không có ý nghĩa lớn.
“Tất nhiên, các chính trị gia hiện sẽ cố gắng làm hài lòng người dân để thu hút sự ủng hộ. Thuế nhiên liệu có thể giảm nhưng chúng sẽ không bị loại bỏ. Điều sẽ tác động đến việc giảm giá chỉ còn là vấn đề địa chính trị”, ông nói.
Song gần đây, người Israel đã thấy một vài tia hy vọng. Các quốc gia Bắc Phi đã bắt đầu cân nhắc về việc sản xuất nhiều dầu thô hơn. Saudi Arabia gần đây đã đồng ý bơm thêm năng lượng, mặc dù phạm vi vẫn còn hạn chế và phương Tây đang cố gắng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, một phần vì mong muốn đa dạng hóa nguồn dầu mỏ của nước này. Nhưng với việc châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Nga, viễn cảnh thị trường ổn định hay giá cả phải chăng vẫn còn là điều xa vời.
Việc Liên minh châu Âu áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vận chuyển bằng đường biển là biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có của khối đối với Moskva nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Giới chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt dầu Nga của EU có thể đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng cao hơn nữa, trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang cố gắng kiềm chế lạm phát.
Ông Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)bình luận: “Nga sẽ mất rất nhiều doanh thu, nhưng châu Âu và Mỹ cũng chịu ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới tăng cao”.