Đề xuất của Tổng thống Joe Biden về việc áp thuế lợi nhuận đối với các công ty dầu mỏ khó có thể được thông qua tại Quốc hội Mỹ, ngay cả khi đảng Dân chủ đảo ngược được các dự báo và thành công duy trì đa số mỏng manh trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11.
Quốc hội đã thông qua các đợt giảm thuế lớn đối với các “đại gia” dầu mỏ Mỹ khi cựu Tổng thống Donald Trump còn đương nhiệm, do nhu cầu nhiên liệu giảm sâu trong thời gian COVID-19 bùng phát.
Sau khi giá dầu tăng vọt do xung đột tại Ukraine bùng phát, các chính phủ châu Âu đã áp thuế lợi nhuận bất ngờ (windfall profit tax) đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của họ.
Nhưng theo giới phân tích và quan chức, hầu hết các nhà lập pháp Mỹ cho thấy họ ít có mong muốn đảo ngược xu hướng trên dù các công ty dầu mỏ như Exxon Mobil Corp và Chevron Corp đã thu về lợi nhuận hàng quý khổng lồ.
Hôm 31/10, ông Biden cáo buộc các công ty dầu khí "trục lợi từ xung đột" khi thu về lợi nhuận kỷ lục từ tình hình tại Ukraine. Ông cho biết các công ty thay vào đó nên giảm chi phí nhiên liệu cho người Mỹ, hoặc đầu tư một phần lợi nhuận vào việc thúc đẩy sản xuất trong nước. Nếu không, các công ty này sẽ phải trả mức thuế cao hơn đối với lợi nhuận vượt mức cũng như đối mặt với các hạn chế khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia về thuế và năng lượng cho biết Tổng thống Biden sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội - nơi đặt ra chính sách thuế của Mỹ.
Hai nghị sỹ đảng Dân chủ là ông Sheldon Whitehouse thuộc Thượng viện và ông Ro Khanna tại Hạ viện nằm trong nhóm các nhà lập pháp đã đưa ra các dự luật đánh thuế vào lợi nhuận tăng vọt của các công ty dầu mỏ. Nhưng không phải tất cả các đảng viên Dân chủ đều ủng hộ nỗ lực này.
Theo các nguồn tin, thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Kyrsten Sinema từ Arizona và Joe Manchin từ Tây Virginia có thể sẽ phản đối áp mức thuế trên, làm giảm triển vọng thành công của đề xuất này.
Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường ClearView Energy Partners cho biết chính quyền tiểu bang và địa phương có thể tự đưa ra hành động bất kể Quốc hội ra quyết định nào.
Theo ClearView, giá tăng cao có xu hướng khiến các chính quyền điêu đứng còn suy thoái kinh tế có thể làm căng thẳng nguồn tài chính cho chính quyền cấp bang.
ClearView nhận định ngay cả các bang sản xuất dầu nổi tiếng với mức thuế thấp và các quy định lỏng lẻo của Mỹ có thể bắt đầu để mắt đến lợi nhuận của ngành này. Điều đó có khả năng khiến các bang hủy bỏ hoặc sửa đổi các ưu đãi hiện có, thậm chí đưa ra các khoản thuế mới.
Các quan chức chính quyền cũng thừa nhận rằng sẽ khó ban hành một mức thuế lợi nhuận liên bang và chưa ấn định thời hạn nào cho bước tiếp theo. Họ cũng lưu ý những lựa chọn tiềm năng khác cho chính phủ bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu.
Yêu cầu các công ty trả nhiều thuế hơn để tài trợ cho các dịch vụ của chính phủ - từ giáo dục đến đường sá, là một kế hoạch quan trọng trong nền tảng kinh tế của Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, những bình luận về thuế lợi nhuận của ông đã nhanh chóng bị các nhóm công nghiệp và doanh nghiệp bác bỏ. Thậm chí cả cựu Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Dân chủ Larry Summers cũng cho rằng những động thái như vậy có thể làm tăng giá do không khuyến khích hoạt động đầu tư và sản xuất dầu.