Mới đây, khi trình Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2025, Bộ Tài chính đã ghi nhận các ý kiến về việc đầu tư có lãi mới phải nộp thuế.
“Trong quá trình thực hiện, có ý kiến cho rằng, việc thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp, cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế”, Bộ Tài chính ghi nhận.
Mặt khác, đối với chuyển nhượng vốn thì các cá nhân phải nộp thuế với mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Theo đó, nếu cá nhân cố tình kê khai giá bán bằng với giá mua thì sẽ không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Pinetree, dự án Luật thuế thu nhập cá nhân nếu được chấp nhận sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư trên thị trường. Điều này có thể có lợi cho nhóm đầu tư này, song lại có hại cho nhóm nhà đầu tư khác và ngược lại.
Đối với các nhà đầu tư “xuất sắc” có tỷ suất sinh lời cao, việc tính thuế 0,1% như hiện tại là tối ưu hơn, khi phần thuế TNCN thu được ít hơn rất nhiều so với việc nộp thuế 20% trên lãi. Cách thu 0,1% giá trị bán như hiện tại sẽ có lợi cho nhà đầu tư có tỷ lệ sinh lời từ 0,5% trở lên.
“Vấn đề cốt lõi là tỷ suất chiến thắng của nhà đầu tư, tỷ lệ giao dịch chiến thắng/lỗ trên tổng số giao dịch. Tỷ lệ giao dịch có lãi càng cao, thì cách thu cũ sẽ có lợi hơn, và ngược lại, những nhà đầu tư càng giao dịch nhiều, tỷ lệ giao dịch thua lỗ cao thì đề xuất mới sẽ có lợi hơn”, chuyên gia Pinetree cho hay.
Đề xuất thuế mới nếu được thông qua sẽ thay đổi “cuộc chơi” chứng khoán như thế nào?
Đánh giá tác động tới thị trường chứng khoán, ông Khang cho biết nếu kiến nghị được thông qua khả năng cao sẽ khắc phục được những điểm chưa hợp lý từ cơ chế thuế hiện tại.
Vấn đề thứ nhất được khắc phục là nhà đầu tư vẫn phải trả thuế thu nhập dù đầu tư thua lỗ và không có khoản thu nhập nào.
Thêm vào đó, luật chứng khoán quy định chứng khoán bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, với nhà đầu tư giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư không nắm quyền như cổ đông sở hữu cổ phiếu, cũng như giao dịch trên thị trường phái sinh giữa các nhà đầu tư bản chất chỉ là giao dịch phần chênh lệch giá (lãi/lỗ) giữa các nhà đầu tư, chứ không phải sự chuyển giao toàn bộ giá trị tài sản như trên thị trường cơ sở (cổ phiếu). Chính vì vậy, việc tính thuế dựa trên toàn bộ giá trị bán là chưa được hợp lý.
Theo ông Khang, một điểm bất hợp lý nữa ở việc thu thuế đối với cổ phiếu thưởng/cổ tức bằng cổ phiếu. Nhà đầu tư khi nhận cổ phiếu thưởng bị tính thuế thu nhập khi bán cổ phiếu, trong khi tổng tài sản không thay đổi do giá cổ phiếu đã được điều chỉnh giảm trước đó.
Vị chuyên gia cho biết thêm, đề xuất sửa đổi mới chưa đề cập đến việc được khấu trừ thuế đối với giao dịch lỗ. Bản chất việc thu 20% trên lãi là tăng so với mức thuế hiện hành, nếu chỉ xét riêng với giao dịch có lãi. Do đó, nếu không được khấu trừ khoản lỗ, mức thuế cao có thể sẽ làm giảm bớt sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến thanh khoản và định giá của thị trường.
Dù vậy, cơ chế thu thuế “cào bằng“ 0,1% hiện tại cũng có một số ưu điểm nhất định, điển hình là đơn giản hóa thủ tục. Việc xác định thuế dựa trên giá trị bán sẽ giảm thiểu thời gian quyết toán thuế cá nhân, cũng như công đoạn xác định giá mua/giá bán của cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ưu điểm nhất của cơ chế hiện tại là đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Ở thị trường Việt Nam, sự đồng bộ thông tin còn thấp, đi kèm với việc cơ chế xác định giá vốn sẽ rất phức tạp nên có thể sẽ xảy ra các trường hợp “né” thuế” hoặc trốn thuế.
Mặt khác, nếu đề xuất có lãi mới phải nộp thuế được áp dụng, công ty chứng khoán nhiều khả năng sẽ có thêm trách nhiệm bóc tách giao dịch và phải thêm nghiệp vụ quản trị rủi ro cho khâu này.
Ông Khang cho rằng điều này về mặt lý thuyết là khả thi song quá trình sẽ khá phức tạp. Hiện tại, chưa có sự đồng bộ nên sẽ rất khó để xác định giá vốn của nhà đầu tư, ví dụ như cổ phiếu phát sinh quyền (cổ phiếu thưởng) trong kỳ, nhà đầu tư giao dịch tần suất lớn, hoặc giao dịch vắt qua mốc thời gian quyết toán thuế.
Ngoài ra, đối với nhà đầu tư có nhiều tài khoản chứng khoán, việc thu thập hết giấy tờ, sao kê ở tất cả các tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán mỗi kỳ quyết toán khó khả thi và tốn thời gian.
Tóm lại, chuyên gia Pinetree đánh giá dù đề xuất mới có thể khắc phục một số bất cập hiện tại, nhưng để thực thi hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ hóa dữ liệu và tối ưu hóa quy trình quyết toán thuế.