Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng gần 29%, là yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả tăng trưởng khả quan hơn.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2023 đạt 391,4 triệu USD, tăng 22% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 805 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 28,57%, chiếm 58,67%/tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc rất lớn
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) Bộ Công thương, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc rất lớn bởi nhu cầu thị trường này rất cao. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như nhiều năm trước đây, xu hướng tiêu dùng đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Malaisia, Indonesia …
Do vậy, để chiếm thị phần lớn tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thu mua, kiểm tra tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và bảo quản sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác và bắt buộc phải có mã số vùng trồng và mã số đóng gói.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước hiện có 6.439 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và có 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu cho 25 sản phẩm, như: Thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, khoai lang, … xuất khẩu đi 11 thị trường, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ...
Mã số vùng trồng, mã số đóng gói chính là động lực lớn góp phần cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khi sầu riêng là loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao và năng lực cạnh tranh tốt tại thị trường Trung Quốc có lợi thế về vụ mùa và chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao.
Sầu riêng, chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều cũng là 09 loại quả mà Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 03 nghị định thư về xuất khẩu măng cụt, sầu riêng và chuối sang Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đàm phán ký nghị định thư với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Hiện Việt Nam, Thái Lan và Philippines là 3 thị trường cung cấp chủ lực 9 loại quả này, trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn nhất 09 loại quả này cho Trung Quốc. Ngoài 09 loại quả kể trên, Việt Nam còn được phép xuất khẩu mít và chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc.
Năng lực sản xuất rau quả của Việt Nam không thấm vào đâu so với nhu cầu của một thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc
Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với ngành rau quả Việt Nam, và chiếm tỷ lệ đến 58,67%/tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Vì vậy, chính thị trường này sẽ quyết định kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng hay sụt giảm.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó rau quả Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.
“Do vậy, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc, chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc”, đại diện Cục XNK khuyến nghị.
Thời gian gần đây có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang tập trung sản xuất quá nhiều các loại rau quả xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, như mít, sầu riêng, chanh leo, … và lo sẽ ế hàng, dội chợ bán không được.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hiện nay năng lực sản xuất rau quả của Việt Nam là không thấm vào đâu so với nhu cầu của một thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc, đó là chưa nói xuất khẩu vào các thị trường khác trên thế giới, nhưng chỉ vì lâu nay chúng ta sản xuất theo thói quen của mình, và chỉ vì chất lượng hàng hóa của chúng ta thiếu ổn định, thậm chí kém chất lượng cứ được vài lô đầu là khá, ngay sau đó lại xảy ra vấn đề.
Mặt khác, doanh nghiệp và người sản xuất chậm đổi mới về công nghệ chậm chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, tuy xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới chi phí thấp nhưng độ rủi ro rất cao, nếu cứ làm ăn theo tập quán theo truyền thống có gì bán đấy, đến khi không bán được thì kêu các bộ, ngành và chính phủ thì rất căng.
“Nguyên nhân này cần phải chỉ thẳng để các doanh nghiệp, các vùng trồng, người sản xuất suy nghĩ, các cơ quan liên quan cũng phải suy nghĩ và có trách nhiệm giải quyết. Bây giờ, thị trường đòi hỏi cao về chất lượng rau quả xuất khẩu thì các địa phương, và hiệp hội phải hướng dẫn bà con sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch, nếu cứ làm theo lối ăn đong như ngày xưa bán hàng qua biên giới thì rất căng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.