Giá dầu sụt hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai sau 5 phiên tăng liên tiếp khi mà nhà đầu tư lo ngại các “cơn bão” kinh tế sẽ tạo ra suy thoái kinh tế toàn cầu và làm suy giảm nhu cầu nhiên liệu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai đóng cửa ở mức 96,19USD/thùng tương đương mức hạ 1,8% trên thị trường London.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 1,6% xuống 91,13USD/thùng. Cả hai loại giá dầu này đã tăng trong tuần qua bởi kỳ vọng vào khả năng nguồn cung toàn cầu còn nhiều hạn chế.
Giá dầu giảm bởi những tuyên bố từ các quan chức thuộc Fed về khả năng lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Phó chủ tịch Fed – ông Lael Brainard nhận xét nền kinh tế đã bắt đầu có những ảnh hưởng do chính sách tiền tệ siết chặt của Fed, tuy nhiên để nhìn thấy ảnh hưởng rõ nét sẽ phải cần đến nhiều tháng nữa.
Tuyên bố của ông Brainard được đưa ra sau khi chủ tịch Fed tại Chicago – ông Charles Evans khẳng định rằng nội bộ Fed hiện đang đồng thuận rất cao về khả năng lãi suất đồng USD sẽ được điều chỉnh lên mức 4,5% vào thời điểm tháng 3/2022 và giữ ở mức này.
“Hiện đang có quá nhiều quan điểm bi quan trên thị trường về việc quan chức thuộc Fed tuyên bố gì và ảnh hưởng lên kinh tế Mỹ ra sao bởi thực tế họ không được thuyết phục bởi khả năng lạm phát sẽ được kiểm soát tốt, và chính yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến dầu”, chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC ở New York – ông John Kilduff phân tích.
Giá dầu hiện thời cũng đang “chật vật” khi mà đồng USD mạnh lên. Đồng USD đã tăng giá 4 phiên liên tiếp. Đồng USD mạnh khiến cho dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Khả năng OPEC+ siết chặt nguồn cung dầu hạn chế đà suy giảm của giá. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh trong đó có Nga hay còn gọi là OPEC+ vào tuần trước đã quyết định giảm sản lượng ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, nước có quyền lực lớn nhất trong OPEC+ là Saudi Arabia sẽ vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng châu Á tối đa khả năng.
Doanh nghiệp xăng dầu nhà nước Saudi Arabia đã nói với ít nhất 7 khách hàng châu Á về việc họ sẽ vẫn nhận được đủ dầu trong tháng 11/2022, trước thềm mùa tiêu thụ dầu cao điểm, theo nhiều nguồn tin có hiểu biết về vụ việc cho hay.
“Quyết định hạ sản lượng của OPEC+ sẽ chỉ có ảnh hưởng hạn chế lên nguồn cung trên thị trường dầu bởi mức cắt giảm sản lượng thực tế sẽ giảm đi khá nhiều”, Fitch Ratings nhấn mạnh. Fitch Ratings nói rằng nhìn chung nhóm này hiện đang sản xuất dầu thấp hơn so với hạn mức trước đây.
Cả giá dầu Brent và giá dầu WTI đều ghi nhận mức tăng tính theo tỷ lệ phần trăm cao nhất tính từ tháng 3/2022.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai, chuỗi ngày biến động trên thị trường tiếp diễn khi mà những nỗi lo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ tiếp diễn, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và chính sách thương mại của Trung Quốc.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm điểm sau khi tăng điểm nhẹ trước đó. Chỉ số S&P 500 hạ 27,27 điểm tương đương 0,7% xuống 3.612,39 điểm; chỉ số Dow Jones giảm 93,91 điểm tương đương 0,3% xuống 29.202,88 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 110,3 điểm tương đương 1% xuống 10.542,1 điểm.
Đây là ngưỡng đóng cửa thấp nhất của chỉ số Nasdaq tính từ tháng 7/2020, theo Dow Jones Market Data.
Cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất chip sụt giảm sau khi chính quyền Joe Biden áp dụng các biện pháp hạn chế mới với việc xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn nhằm kiềm chế bớt sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.
Chỉ số cổ phiếu ngành bán dẫn PHLX Semiconductor Sector trong ngày thứ Hai giảm 3,5% và đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ tháng 11/2020. Không chỉ cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất chip mà cổ phiếu của các doanh nghiệp sử dụng chip cũng sụt giảm mạnh.