Thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm trong phiên ngày 20/8 trong bối cảnh các nhà đầu tư không thấy nhiều lý do để tiếp tục theo đuổi những mức tăng mạnh gần đây, trong lúc chờ đợi bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mà có thể cung cấp thêm gợi ý về thời điểm có thể bắt đầu giảm lãi suất.
Tại New York, các chỉ số chính đều giảm sau khi đã tăng liên tiếp trong tám phiên. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở châu Âu, mặc dù các chỉ số vẫn cao hơn nhiều so với đầu tuần trước.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 40.834,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 5.597,12 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 17.816,94 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 1% xuống 8.273,32 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,2% xuống 7.485,73 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,4% xuống 18.357,52 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,3% xuống 4.857,58 điểm.
Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong tuần trước khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đang chậm lại và thị trường lao động đang suy yếu. Điều này đã xoa dịu lo ngại về một cuộc suy thoái, trong khi vẫn để ngỏ cơ hội cho Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài của mình.
Tuy nhiên, không có nhiều động lực để tiếp tục đẩy giá chứng khoán đi lên trong phiên ngày 20/8.
Chiến lược gia Joe Mazzola tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab cho biết thị trường chứng khoán dường như đang trong trạng thái chờ đợi trước khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố vào 21/8 và loạt báo cáo kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ.
Cổ phiếu của nhà bán lẻ Lowe's đã giảm 1,2% sau khi doanh thu đạt kỳ vọng. Các báo cáo kinh doanh của Target và TJX vào ngày 21/8 dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin về niềm tin của người tiêu dùng sau những số liệu bán lẻ khả quan tuần trước.
Tuy nhiên, tâm điểm chính vẫn là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 23/8 tới tại cuộc họp thường niên của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ toàn cầu ở Jackson Hole, Wyoming, nơi ông có thể đưa ra tín hiệu về kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Fed.
Các dự đoán về việc Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng Chín tới, thậm chí một số dự báo lên tới 50 điểm cơ bản, và tiếp theo là hai lần cắt giảm nữa trước cuối năm đã tăng mạnh.
Các dự đoán về việc Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng Chín tới, thậm chí một số dự báo lên tới 50 điểm cơ bản, và tiếp theo là hai lần cắt giảm nữa trước cuối năm đã tăng mạnh.
Chủ tịch Powell đã làm dấy lên hy vọng về một động thái cắt giảm lãi suất tại cuộc họp gần đây nhất của Fed khi cho biết điều này có thể diễn ra "sớm nhất là" vào tháng 9/2024, trái ngược với quan điểm trước đó cho rằng Fed không cần chờ lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% mới giảm lãi suất.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly nói với tờ Financial Times rằng bà "tin tưởng" lạm phát đang được kiềm chế sau những dữ liệu gần đây.
Trong khi đó, theo tờ The Wall Street Journal, Chủ tịch Fed tại Minneapolis, ông Neel Kashkari cho biết triển vọng thị trường lao động suy yếu khiến việc thảo luận về khả năng cắt giảm lãi suất trở nên phù hợp.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục giảm so với đồng euro, đồng yen và đồng bảng Anh do dự đoán chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác sẽ thu hẹp lại.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 10,93 điểm (0,87%) lên 1.272,55 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,29 điểm (0,55%) lên 237,31 điểm.