Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 56,82 điểm tương đương 1,5% lên 3.878,44 điểm, cổ phiếu của tất cả 11 nhóm ngành trong chỉ số lên điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 526,74 điểm tương đương 1,6% lên 33.376,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 162,26 điểm tương đương 1,5% lên 10.709,37 điểm.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng vọt trong tháng 12/2022 lên ngưỡng cao nhất tính từ tháng 4/2022. Niềm tin trong nền kinh tế và thị trường lao động cải thiện, còn kỳ vọng lạm phát của năm nay giảm xuống mức 6,7% - ngưỡng thấp nhất trong hơn 1 năm.
Dữ liệu về nhà đất Mỹ phát đi thông điệp trái chiều. Doanh số bán nhà đang sử dụng trong tháng 11/2022 giảm đến tháng thứ 10 liên tiếp và như vậy có chuỗi thời gian suy giảm dài nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, giá nhà đất, yếu tố gây sức ép lên hoạt động của thị trường nhà đất, đã giảm đến tháng thứ 5 liên tiếp.
Một số chuyên gia phân tích khẳng định rằng sự kết hợp của yếu tố niềm tin người tiêu dùng và giá nhà sụt giảm cũng như kỳ vọng giá cả có thể coi như thông tin tốt với các quan chức thuộc Fed, những người đang cố gắng kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Phiên tăng điểm vào ngày thứ Tư đánh dấu cho sự phục hồi của thị trường sau nhiều phiên suy giảm gần đây có nguyên nhân trực tiếp từ các đợt nâng lãi suất kéo theo suy giảm kinh tế. Việc Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã thay đổi chính sách quản lý đường cong lợi suất trái phiếu khiến cho nhiều người lo ngại về khả năng các điều kiện thắt chặt tài chính trên toàn cầu.
Diễn biến của lạm phát và chính sách của Fed hiện vẫn khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng, lãi suất cao ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường trong năm 2022, thị trường cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm.
Diễn biến giá cả gần đây cho thấy áp lực tăng giá đã hạ nhiệt cho phép các ngân hàng trung ương hãm tốc độ nâng giá cả, chiến lược gia đầu tư tại quỹ Allianz Investment Management – ông Charlie Ripley nhận xét. Thế tiến thoái lưỡng nan của Fed: nếu họ hãm tốc độ siết chặt lãi suất, điều kiện tài chính có thể nới lỏng và khiến cho lạm phát trở lại.
“Vấn đề được quan tâm nhất lúc này chính là ở mức độ nào chúng ta có thể ngừng lo lắng về lạm phát. Fed không muốn có một môi trường mà lạm phát trở lại. Họ muốn lạm phát trong xu thế giảm không ngừng”, ông Ripley nói.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm không thay đổi so với ngày trước đó, ở mức 3,684%. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, yếu tố vốn thường tăng khi giá trái phiếu, tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba sau quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật, nó có nguyên nhân trực tiếp từ nỗi sợ rằng nhà đầu tư Nhật có thể bán trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận một số cổ phiếu tăng điểm nhảy vọt trong phiên ngày Tư, cổ phiếu Nike tăng 12% lên 115,78USD/cổ phiếu và như vậy là cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trong cả chỉ số Dow Jones và S&P 500. Cổ phiếu FedEx tăng 3,4% lên 169,99USD/cổ phiếu sau khi công bố kết quả kinh doanh giảm đi trong bối cảnh thương mại toàn cầu chững lại.