Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên ngày thứ Sáu khi mà phố Wall khép lại một tháng đầy biến động. Tuy nhiên nếu nhìn cả quý, chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm dù rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, đồng thời xảy ra một cuộc khủng hoảng quy mô nhỏ có nguyên nhân từ vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tăng 1,44% lên 4.109,31 điểm; chỉ số Nasdaq tăng 1,74% lên 12.221,91 điểm; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 415,12 điểm tương đương 1,26% và đóng cửa ở mức 33.274,15 điểm.
Thị trường được hỗ trợ tâm lý trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi mà chỉ số lạm phát mà Fed hay sử dụng để tính toán điều chỉnh chính sách tiền tệ hạ nhiệt nhiều hơn kỳ vọng.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), chỉ số không tính toán đến diễn biến giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% trong tháng 2/2023, thấp hơn mức tăng 0,4% theo tính toán của các chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones.
Trong quý đầu của năm, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 7,03% và 16,77%, đây cũng là quý tăng điểm tốt nhất tính từ đầu năm 2020 của chỉ số Nasdaq. Đóng cửa quý vừa qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,38%.
Tính trong tháng vừa qua, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 3,51% và 6,69%. Chỉ số Dow Jones trong khi đó chốt lại tháng 3/2023 tăng 1,89%.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng vừa qua đã biến động rất mạnh. Trong nửa sau của tháng 3/2023, thị trường chứng khoán hồi phục sau khi giảm rất sâu trong nửa đầu tháng bởi vụ sụp đổ của hai ngân hàng khu vực, ngân hàng Credit Suisse bị thâu tóm và cuộc tháo chạy tiền gửi khỏi nhóm các ngân hàng nhỏ.
Chính phủ Mỹ đã phải hành động để bảo đảm tiền gửi cho ngân hàng SVB cũng như Signature đồng thời thành lập kênh cho vay đặc biệt cho các ngân hàng khác nhằm ngăn khủng hoảng.
Quy mô kênh tín dụng chính thức khoảng 88,2 tỷ USD, các ngân hàng trong khi đó rút ra ước tính 64,4 tỷ USD theo kênh dẫn vốn của Fed, theo số liệu của Fed công bố vào ngày thứ Năm trong giai đoạn từ ngày 22/29-3/2023.
Tổng quy mô hai kênh tín dụng này ước tính 152,6 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 164 tỷ USD của tuần liền trước đó, như vậy thêm dấu hiệu cho thấy khủng hoảng đang bình ổn khi mà tháng 3 dần kết thúc.
Chỉ số cổ phiếu của ngành ngân hàng SPDR Regional Banking ETF (KRE) tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, như vậy chỉ số này tiếp tục hồi phục từ những mức thấp trước đó.
Cổ phiếu công nghệ ghi nhận mức tăng cao trong tháng này bởi nhà đầu tư rút tiền khỏi cổ phiếu tài chính. Chỉ số cổ phiếu công nghệ tăng ước tính khoảng 10% trong tháng 3/2023.
Đợt tăng giá gần đây của cổ phiếu như vậy đã xác nhận cho nhận định của thị trường rằng những vấn đề dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin trong thời gian qua đã được kiềm chế, theo trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại quỹ LPL Financial – bà Quincy Krosby phân tích.
Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) nhiều khả năng sẽ phải chi trả ước tính khoảng 23 tỷ USD cho các vụ sụp đổ ngân hàng thời gian qua.
FDIC hiện đang cân nhắc yêu cầu những ngân hàng lớn nhất của nước này chia sẻ gánh nặng tài chính đó, theo những nguồn thạo tin được Bloomberg trích đăng.
FDIC cho biết họ có kế hoạch đề xuất về một chương trình đánh giá đặc biệt với ngành dự kiến được triển khai trong tháng 5/2023 nhằm củng cố cho quỹ bảo hiểm tiền gửi quy mô 128 tỷ USD đã chịu nhiều thiệt hại sau vụ sụp đổ gần đây của ngân hàng Silicon Valley Bank và ngân hàng Singature.
Cơ quan quản lý Mỹ, dưới áp lực chính trị từ việc cứu các ngân hàng nhỏ, đã nhấn mạnh rằng sẽ có sự chia sẻ khoản chi phí cứu các ngân hàng với các bên khác.
Phía sau hậu trường, các quan chức đang cố gắng hạn chế áp lực lên các ngân hàng cho vay cộng đồng bằng việc yêu cầu các tổ chức lớn chịu một phần chi phí, theo những nguồn thạo tin. Như vậy nhóm các ngân hàng lớn bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America hay Wells Fargo phải chịu gánh nặng thêm đến hàng tỷ USD.