Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm điểm trong ngày thứ Năm khi mà nhà đầu tư tính đến khả năng suy thoái kinh tế và chu kỳ nâng lãi suất dài hơn so với tính toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số S&P 500 giảm 0,19% và đóng cửa phiên ở mức 3.933,92 điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng rất nhẹ và chốt phiên ở mức 33.597,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,51% xuống 10.958,55 điểm.
Lợi suất trái phiếu đồng thời giảm. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm đã có lúc chạm mức thấp 3,402%,
Trong phiên giao dịch có nhiều trồi sụt, thị trường chứng khoán dao động nhiều lần giữa tăng và giảm điểm, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 0,41%. Ở mức thấp, chỉ số giảm ước chừng 0,47%.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Carson Group, ông Ryan Detrick, nhận xét: “Thị trường dường như đang trong trạng thái tạm nghỉ sau đợt tăng điểm mạnh tính từ mức thấp vào tháng 10/2022”. Ông Detrick dự báo thị trường sẽ vẫn tiếp tục xu thế này cho đến khi nhà đầu tư rõ ràng hơn về cuộc họp từ Fed cũng như đón nhận được chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2022.
Trong tuần tới, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản. Dù rằng động thái này có thể còn khiêm tốn nếu so với 4 lần nâng lãi suất trước đây, hiện đang xuất hiện nhiều lo lắng về việc liệu Fed có thể xử lý được để giúp kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” cùng lúc đó kiềm chế tốt lạm phát.
Những lo lắng về suy thoái kinh tế năm 2023 đã khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng trong nhiều ngày gần đây.
Trong tuần này, nhà đầu tư đang chờ đợi nhiều thông tin kinh tế Mỹ được công bố. Theo đó, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Chỉ số giá sản xuất của tháng 11/2022 và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tháng 12/2022 dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu.
Thị trường Mỹ đang hướng đến một tuần giảm điểm khi mà chỉ số Dow Jones mất 2,42%; chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 3,38% và 4,39%.
Giá dầu rơi xuống ngưỡng thấp nhất của năm nay trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu như vậy để mất toàn bộ thành quả tăng tính từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong tháng 3/2022, giá của loại hàng hóa được giao dịch nhiều nhất thế giới tăng lên gần 140USD/thùng, gần sát ngưỡng cao kỷ lục chưa từng thấy sau khi căng thẳng Nga – Ukraine thực sự leo thang.
Tuy nhiên trong những tháng cuối của năm, giá dầu không ngừng giảm, các chuyên gia kinh tế đang dự báo nhiều hơn về khả năng tăng trưởng kinh tế suy giảm do giá năng lượng cao. Việc sụt giảm của giá dầu trong phiên ngày thứ Tư có nguyên nhân trực tiếp từ việc dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng cao.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai trên thị trường London giảm 2,18USD/thùng tương đương 2,8% xuống 77,17USD/thùng, thấp hơn ngưỡng đóng cửa của năm trước là 78,98USD/thùng. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai giảm 2,24USD/thùng, như vậy giá dầu suy yếu hơn nữa so với mức đóng cửa vào phiên giao dịch ngày thứ Ba vốn là mức thấp của năm.
Đáng chú ý, việc suy giảm của giá dầu trong thời gian gần đây diễn ra trong một bối cảnh mà lẽ ra rất thuận lợi cho đà tăng của giá dầu. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã đưa ra nhiều thay đổi lớn nhất với chính sách không COVID-19 tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Trong tháng 11/2022, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong 10 tháng, theo dữ liệu công bố mới nhất.