Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh đồng yen cần phải ổn định và phản ánh nền tảng kinh tế, theo đó ông kêu gọi ổn định các thị trường tiền tệ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Suzuki đánh giá: “Những động thái gần đây diễn ra khá nhanh và phiến diện". Ông cho rằng "cần phải theo dõi sát sao các diễn biến".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng bày tỏ lo ngại về việc đồng yen mất giá. Ông nêu rõ Tokyo sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết nếu các xu hướng gần đây tiếp diễn, tuy nhiên ông không công bố chi tiết về kế hoạch này.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đồng yen liên tục giảm giá so với đồng USD, ngày 5/9 ghi nhận mức giá thấp nhất trong 24 năm qua và ngày 7/9 tiếp tục ghi nhận mức thấp kỷ lục mới - cụ thể 1 USD đổi hơn 144 yen.
Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất tích cực để chống lạm phát và khả năng chính sách này sẽ tiếp tục trong năm tới đã dẫn đến việc đồng yen rớt giá so với đồng USD.
Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì chính sách lãi suất siêu thấp, với lãi suất chuẩn ngắn hạn ở mức -0,1%, đồng thời tiếp tục hưởng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm về mức 0%.
Khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng rộng đã kích thích hoạt động mua đồng USD và khiến đồng yen suy yếu, đồng thời gây ra biến động trên thị trường chứng khoán.
Một mặt đồng yen yếu được coi là có lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, do lợi nhuận của các nhà xuất khẩu tăng và khả năng cạnh tranh về giá được nâng cao ở thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, mặt khác, đồng yen yếu làm tăng hơn nữa giá các sản phẩm năng lượng và nguyên liệu vốn đã ở mức cao, trong khi đây là những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu của Nhật Bản. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cán cân thương mại vốn đã âm của Nhật Bản.