"Chìa khóa" thúc đẩy tăng trưởng của tân Thủ tướng Anh

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã công bố gói hỗ trợ trị giá 150 tỷ bảng (180 tỷ USD) nhằm giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh vượt qua cuộc khủng hoảng giá năng lượng.

Theo đó hóa đơn trần năng lượng đối với các hộ gia đình được giới hạn ở mức 2.500 bảng/năm trong vòng 2 năm. Các doanh nghiệp cũng sẽ nhận được hỗ trợ tương tự, nhưng chỉ trong 6 tháng.

Trước đó, mức giá trần năng lượng dự kiến sẽ tăng 80% lên 3.500 bảng/năm vào tháng 10 và có thể lên tới mức 6.000 bảng vào năm sau.

Cùng với gói hỗ trợ này, bà Truss cam kết tăng sản xuất dầu mỏ và khí đốt trong nước, khởi động lại việc khai thác khí đá phiến và cải cách thị trường năng lượng.

Gói hỗ trợ khổng lồ dự kiến sẽ được lấy từ nguồn vay của chính phủ, thay vì yêu cầu các công ty năng lượng đóng góp thông qua thuế lợi tức tăng thêm (windfall tax) được áp dụng đối với ngành dầu khí vào cuối tháng Năm.

Được công bố chỉ 2 ngày sau khi bà Truss nhậm chức, gói hỗ trợ là phản ứng ngay lập tức của tân Thủ tướng Anh để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng như cam kết được bà đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Thủ tướng Liz Truss lên nắm quyền tại thời điểm nước Anh đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế, nổi bật là cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh Anh phụ thuộc vào khí đốt nhiều hơn các quốc gia châu Âu khác.

Chi phí sinh hoạt và hóa đơn năng lượng leo thang, lạm phát 2 con số - mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm và dự kiến có thể vượt 20% vào năm 2023. Nợ chính phủ gia tăng và nền kinh tế năng suất thấp và có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng vào ngày 6/9, bà Truss nhấn mạnh ba ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm và cải cách thuế, và giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, trong đó có việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trong tương lai.

Tân thủ tướng cam kết sẽ mang lại thay đổi kinh tế lớn nhất cho Vương quốc Anh trong vòng 30 năm, khẳng định bà muốn một "cách tiếp cận mới táo bạo" để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.

Chính phủ mới đặt ra hai nhiệm vụ cấp bách: Ngay lập tức hỗ trợ người dân vượt qua cú sốc giá nghiêm trọng, đồng thời xây dựng nền tảng lâu dài để phát triển kinh tế lành mạnh và thịnh vượng.

Bà Truss cho rằng cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng là tạo ra ưu đãi đầu tư thông qua hệ thống thuế và đơn giản hóa quy định. Vì vậy, ưu tiên kinh tế hàng đầu của bà là cắt giảm thuế, giải pháp mà bà khẳng định sẽ khởi động lại nền kinh tế đang đình trệ, tránh suy thoái, đồng thời giúp người dân ứng phó với hóa đơn năng lượng tăng cao.

Bà Truss cũng cam kết đảo ngược kế hoạch tăng phí bảo hiểm quốc gia hồi tháng Tư và hủy bỏ việc tăng thuế doanh nghiệp 15% theo lịch trình, với tổng chi phí khoảng 30 tỷ bảng/năm. Ngoài ra, bà dự kiến giảm 5% thuế VAT hoặc giảm thuế thu nhập để hỗ trợ ngân sách các hộ gia đình.

Quảng cáo

Chính phủ Anh dự định sẽ bù đắp khoản giảm thuế này bằng việc kéo dài thời gian trả nợ khoản vay lên tới 311 tỷ bảng trong thời kỳ đại dịch.

Kế hoạch của bà Truss cũng gồm việc cải tổ các quy định về thanh toán của EU (Solvency II rules - một quy chế áp dụng cho các công ty bảo hiểm ở châu Âu), và giải phóng các quỹ hưu trí để có thể đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao.

Về tăng trưởng xanh, trong khi nhấn mạnh cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 hiện nay của Vương quốc Anh, bà Truss khẳng định cần đạt mục tiêu này theo cách không gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy bà ủng hộ sử dụng khí đốt như nguồn nhiên liệu quá độ, đồng thời sẽ hủy bỏ lệnh cấm khai thác bằng công nghệ khoan thủy lực.

Tân Thủ tướng Anh cũng ủng hộ việc khai thác khí đá phiến, mở rộng hoạt động khai thác mới ở Biển Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu trung hạn của Anh, và phát triển thêm năng lượng hạt nhân. Bà Truss tạm dừng các khoản thu phí xanh đối với hóa đơn năng lượng vốn được sử dụng để đầu tư vào các chương trình năng lượng tái tạo.

073904-tan-thu-tuong-anh-du-kien-goi-ho-tro-chi-phi-nang-luong-quy-mo-lon-9012.jpg

Bà Liz Truss phát biểu tại cuộc họp ở London, Anh, ngày 5/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ của bà Truss cho rằng với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay, cần nới lỏng tài khóa để giúp người dân vượt qua một mùa đông khó khăn, chỉ ra rằng Anh không cần thắt chặt tài khóa quá mức do tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thấp hơn các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khác, trừ Đức.

Bà Truss khẳng định việc nới lỏng tài khóa sẽ được thực hiện một cách trách nhiệm về mặt tài chính, và khi cú sốc lắng xuống, chính phủ ngay lập tức sẽ làm giảm tỷ lệ nợ trên GDP.

Bà Truss cho rằng cách quản lý nền kinh tế theo kiểu cũ đã để lại cho nước Anh một nền kinh tế trì trệ và tăng trưởng thiếu cân bằng, với năng suất lao động chỉ tăng 0,4%/năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi thuế hiện ở mức cao nhất trong 70 năm.

Bà nhấn mạnh vấn đề này cần giải quyết gấp thông qua thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng, thay vì đánh thuế và chi tiêu, cho rằng đây là cách duy nhất thực sự bền vững để tạo được cơ sở thuế cần thiết để tài trợ cho các dịch vụ công.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo nguy cơ của việc chính phủ vay với lãi suất tăng cao để bù đắp khoản giảm thuế và tăng chi ngân sách, sẽ tăng chi phí cho nền kinh tế. Theo ước tính của tờ The Financial Times, lạm phát và nợ chính phủ tăng cao, cùng với cam kết giảm thuế và tăng 3% ngân sách quốc phòng của bà Truss sẽ tạo nên khoản thâm hụt 60 tỷ bảng trong tài chính công vào giữa thập kỷ này.

Với nền kinh tế rơi vào suy thoái và chỉ còn hai năm trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra, bà Truss sẽ phải chạy đua với thời gian để hoàn thành chương trình nghị sự dày đặc của mình.

Các nhà kinh tế cho rằng không vị thủ tướng nào có thể giải quyết hết những thách thức mà nền kinh tế Anh đang đối mặt chỉ trong vòng hai năm.

Tuy nhiên, nếu có thể điều hành chính phủ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng, và đưa ra các chính sách chi tiết để khuyến khích đầu tư và khơi thông nguồn vốn, bà Truss có thể xoay chuyển tình thế, dẫn dắt nước Anh vượt qua "cơn bão" như cam kết của bà trong bài phát biểu nhậm chức.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro