Quay về eMagazine
Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng

Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng

Theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC, từ 2011 đến 2019, số lượng DNNN trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1/1000. Đáng chú ý, trong số 1/1000 đó, có đến 80% doanh nghiệp không sử dụng đến quỹ.
Như BizLIVE đã đề cập, chiều 14/12, sự kiện TECHFESH 2021 với chủ đề “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021: Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai” đã được tổ chức với sự tham dự trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế...
Tiếp sau phần khai mạc, chương trình đã diễn ra sự kiện Diễn đàn đối thoại cấp cao "Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo mở và chính sách thúc đẩy sáng tạo mở, sáng kiến và gợi mở cho Việt Nam" với sự điều phối của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty VietLotus và sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng; ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam.
Qua cuộc thảo luận, các diễn giả đã cùng nhau gợi mở, đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những "nút thắt" trong thể chế, gợi mở những sáng kiến mới để thúc đẩy sư hợp tác, liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Từ đó thúc đẩy việc hình thành các startup với hàm lượng công nghệ cao trong nước, hướng tới giải quyết các vấn đề lớn của doanh nghiệp, vấn đề mang tính toàn cầu.
Còn nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ
Mở đầu diễn đàn, ông Vũ Viết Ngoạn một lần nữa khẳng định những thành tựu đất nước đã đạt được về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KN&ĐMST) trong những năm vừa qua, tuy nhiên ông Ngoạn cho rằng "để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về KN&ĐMST thuộc nhóm đầu trong khu vực Asean, hành trình này chúng ta còn rất nhiều việc phải làm".
Theo ông Ngoạn, "cơ chế chính sách của chúng ta còn rất nhiều điềm nghẽn phải tháo gỡ". Kế đó, tư duy về ĐMST của một bộ phận lớn doanh nghiệp chưa theo kịp với xu thế hiện nay; năng lực ĐMST của quốc gia chưa được khai thác hết tiềm năng...
Trước câu hỏi đầu tiên về "đánh giá hoạt động ĐMST mở nói riêng và hoạt động ĐMST nói chung, từ góc độ doanh nghiệp", ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, từ góc độ doanh nghiệp, hoạt động ĐMST có vai trò quyết định đối với doanh nghiệp để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trong thời đại CMCN 4.0.
Trong đó các hoạt động ĐMST mở giúp cho các doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, ĐMST mở còn rất mới mẻ nên cần tuyên truyền về lợi ích của nó, cùng kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy thị trường làm trung tâm để kết nối giữa các doanh nghiệp (bên cầu) và nhà nghiên cứu sáng chế (bên cung) để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, tạo của cải vật chất.
Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng ảnh 1 Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng ảnh 2
Ông Vũ Viết Ngoạn (trái) và Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar.
"Israel dành 4,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển"
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho biết một yếu tố chiến lược của Israel là huy động nguồn vốn nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển.
"Chúng tôi dành tới 4,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển và có cơ quan về đổi mới sáng tạo. Cơ quan này tương đương như một Bộ để điều phối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", ông nói và cho biết đây chính là điểm cốt lõi trong hình thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp startup.
Ông Đại sứ nêu ví dụ, ngân hàng Israel được khuyến khích, hỗ trợ để mở vườn ươm nội bộ ngay tại chính ngân hàng nhằm cung cấp dữ liệu cho chính ngân hàng và các doanh nghiệp khách, cũng như giải pháp công nghệ tài chính (fintech) phục vụ chính ngân hàng.
Ngoài ra, vị Đại sứ của Israel cho biết, nước này còn tạo ra các startup độc lập (có có trực thuộc doanh nghiệp hay do các nhà đầu tư) để đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ông cho biết Israel rất tận dụng xu hướng đổi mới sáng tạo cho hiện nay và tương lai, khuyến khích doanh nghiệp đi theo đúng hướng gợi ý như công nghệ lượng tử, AI, các công nghệ tương lai để thúc đẩy hỗ trợ các cộng đồng vùng sâu vùng xa tiếp cận, hưởng lợi từ các chương trình này.
Cách tiếp cận "sáng tạo mở" cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Đề cập đến những cơ chế chính sách mới để tạo động lực thúc đẩy hoạt động KN&ĐMST, Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, gần đây Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung một số nội dung của đề án 844 cho phù hợp với thực tế của hoạt động này trong tình hình mới.
Theo Thứ trưởng, nếu không có chính sách mới sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế - xã hội. Việc này phải được thực hiện thử nghiệm từ hệ sinh thái KN&ĐMST trước, nếu hiệu quả tốt, có lợi ích cho đất nước thì "chúng ta dần dần sẽ điều chỉnh luật".
"Hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn các đơn vị để có các thông tư hướng dẫn cụ thể đảm bảo hệ sinh thái hoạt động hiệu quả", ông Tùng nói.
Về khái niệm "mở" trong hệ sinh thái KN&ĐMST, ông Tùng cho biết, trong năm 2021 Bộ KH&CN đang xây dựng khung hướng dẫn cho các doanh nghiệp. "Mở" tức là khác với cách làm trước đây.
Cụ thể, các năm trước hệ sinh thái KN&ĐMST tại Việt Nam thường chỉ làm việc, kết nối kết nối trong hệ sinh thái, giữa người làm khởi nghiệp, các nhà hỗ trợ với nhà đầu tư. Điều này làm "đề bài đặt ra cho các nhà khởi nghiệp đã rất khó, rồi cách làm thế nào để cho doanh nghiệp của mình tồn tại và phát triển cũng rất khó", ông Tùng nói.
Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng ảnh 3
  Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.
Qua đó, Thứ trưởng Tùng cho biết: "Đến 2021, giống như các nước trên thế giới như Singapore, chúng tôi chọn cách tiếp cận kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp".
Theo Thứ trưởng, người làm khởi nghiệp có ý tưởng để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, nhưng năng lực không đủ, nên cần đến các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. "Chúng tôi đã kết nối với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, giúp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ đề nghị các doanh nghiệp lớn đồng hành cùng với các startup để hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp", Thứ trưởng nói.
Ông Tùng cho rằng những kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước sẽ là những bài học rất quý với các startup bắt đầu công cuộc khởi nghiệp hay đang khởi nghiệp.
Chia sẻ về lý do lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp Fintech đạt được rất nhiều thành tựu trong giai đoạn vừa qua (tạo nên 2 kỳ lân), ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Fintech cho biết, trước hết làm được điều này bởi các định chế tài chính, ngân hàng có tiềm lực và sẵn sàng đầu tư. Họ xác định ngay từ đầu khách hàng là trung tâm và chỉ có chuyển đổi số mới có thể nâng cao sức cạnh tranh cho mình.
Theo ông Thắng, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã tạo nên một làn sóng đáng chú ý với những kỳ lân và ngày càng thu hút được nhiều hơn sự đầu tư.
"Lĩnh vực Fintech đang đóng vai trò trọng tâm trong đổi mới sáng tạo của lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó đặc biệt là ngân hàng rồi đến lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm", ông Thắng nói. 
Tiền ngân sách nhà nước chỉ là vốn "mồi"...
Đề cập đến cách tiếp cận về đổi mới sáng tạo mở, ông Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia ra hai nhóm. Nhóm từ bên ngoài vào, doanh nghiệp tìm giải pháp, ý tưởng từ bên ngoài để giải quyết vấn dề của doanh nghiệp. Và nhóm từ bên trong ra, có nghĩa các doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng giải pháp nguồn lực của mình cho cộng đồng.

Ông dẫn ví dụ Google đã chia sẻ dữ liệu của mình, gần đây doanh nghiệp đầu tư vườn ươm trong trường đại học phục vụ cho doanh nghiệp và cộng đồng. Cách đây không lâu, ông Elon Musk của Testla tuyên bố các sáng chế của Tesla phải mở cho cộng đồng dùng.
Với các trường đại học, đổi mới sáng tạo mở dựa trên khoa học mở là điều rất tự nhiên. Cần phải tiếp cận mở, dữ liệu mở và mở cho xã hội, các thông tin kết quả khoa học phải mở cho cộng động, mọi người đều có thể khai thác, từ nhà khoa học đến doanh nghiệp, công dân.
Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng ảnh 4
Ông Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội 
Trong phần chia sẻ của mình, ông Phạm Bảo Sơn cũng đưa ra hai kiến nghị về mặt chính sách để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái KN&ĐMST.
Đầu tiên, các trường đại học, các viện nghiên cứu cần chính sách để có thể thành lập được các doanh nghiệp khởi nguồn (Spin off). Hiện nay, do hiện nay còn một số vướng mắc liên quan đến Luật quản lý công sản, Luật chuyển giao công nghệ cũng như luật viên chức.
Khi các Spin off được hình thành, các nhà khoa học có thể sử dụng được các tài sản trí tuệ cũng như thiết bị khoa học công nghệ công để phục vụ mục đích phát triển của doanh nghiệp.
Thứ 2, về phía doanh nghiệp, theo ông Sơn, khi đã có được các đặt hàng từ phía doanh nghiệp thì cần tiếp cận được nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp đó là "Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp".
Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận vốn hỗ trợ từ nhà nước chỉ đóng vai trò là vốn "mồi", còn nguồn lực chính sẽ đến từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ này. Ông Sơn khẳng định, khi có được tài chính, có bài toán cụ thể từ doanh nghiệp, có được sự tham gia của các nhà khoa học, khơi thông được các nguồn lực này thì sẽ có thể đẩy mạnh được sự phát triển của hệ sinh thái KN&ĐMST của Việt Nam.
Cần huy động nguồn lực từ hơn 500 nghìn trí thức Việt kiều trên toàn thế giới
Trước câu hỏi của người điều phối về biện pháp để thu hút nguồn lực từ các trí thức người Việt Nam tại nước ngoài để tham gia vào công cuộc KN&ĐMST trong nước, ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra một số kiến giải.
Ông Nam cho biết, trong tổng số 5,3 triệu người Việt ở nước ngoài có khoảng 10%, tương đương 500-600 nghìn chuyên gia tri thức có trình độ trên đại học trở lên. "Đây là một nguồn lực  hết sức lớn lao có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước", ông Nam nói.
Nhận thấy điều này, vừa qua, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ KH&CN để tổ chức hội nghị kết nối với các trí thức kiều bào.
"Chúng tôi đã tổ chức kết nối tạo thành mạng lưới các Hội trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Mạng lưới được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, đến từ 15 quốc gia trên thế giới", ông Nam cung cấp thông tin.
Theo ông Nam, sự ra đời của mạng lưới nhằm thu hút tất cả tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành sức mạnh có thể đóng góp sự phát triển của đất nước. Hiện nhiều chuyên gia kiều bào đã tham gia làm cố vấn khởi nghiệp (mentor) để hỗ trợ các startup trong nước.
Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng ảnh 5
Các diễn ra tham gia diễn đàn:"Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo mở và chính sách thúc đẩy sáng tạo mở, sáng kiến và gợi mở cho Việt Nam. 
"Khẩu vị đầu tư" hiện chưa phù hợp với doanh nghiệp nhà nước
Tại phiên đối thoại, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẳng định các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoàn toàn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư KN&ĐMST.
Theo đề án về phát triển các tập đoàn kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo có đưa ra kỳ vọng cácDNNN ngày càng tham gia sâu, rộng hơn vào hoạt động đầu tư KN&ĐMST.
Ông Lai cho biết, trên thực tế, hiện nhiều DNNN đang đi đầu trong phong trào đổi mới sáng tạo như Viettel, VNPT, FPT hay các tập đoàn sản xuất đẩy mạnh chuyển đổi số như tập đoàn dệt may...
Tuy nhiên, ông Lai cho rằng các DNNN hiện nay vẫn rất cần những tháo gỡ về cơ chế chính sách để thúc đẩy quá trình này đồng thời chỉ ra 3 vướng mắc, "điểm nghẽn" chính cần giải quyết. 
Trong đầu tư vào KN&ĐMST, thời gian là yếu tố quyết định, chậm ra thị trường ngày nào sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án đầu tư ngày ấy.Ông Lê Song Lai
Thứ nhất, theo yêu cầu về bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Lai cho rằng việc đầu tư vào các startup, doanh nghiệp KN&ĐMST hiện nay có "khẩu vị đầu tư" chưa phù hợp với DNNN.
"Đầu tư KN&ĐMST là lĩnh vực có rủi ro cao nên không thể yêu cầu tất cả các khoản đầu tư đều phải có lãi cả", ông nói và cho rằng nên chia ra danh mục đầu tư cụ thể thay vì từng khoản đầu tư hoặc là cơ chế đầu tư theo chỉ định phục vụ mục đích cụ thể như chính trị-xã hội...
Thứ 2, về quy trình, thủ tục để thẩm định, đánh giá và ra các quyết định đầu tư của DNNN, theo ông Lai cần phải được rút ngắn và gắn liền với thị trường hơn.
"Trong đầu tư vào KN&ĐMST, thời gian là yếu tố quyết định, chậm ra thị trường ngày nào sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án đầu tư ngày ấy", ông Lai nêu quan điểm.
Thứ 3, Phó tổng giám đốc SCIC đề cập đến vai trò của Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Theo ông Lai, có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất mà Quỹ này được thành lập ở cả 3 cấp: Cấp Trung ương, cấp bộ ngành, tỉnh và cấp doanh nghiệp.
"Điều này dẫn đến nguồn lực có thể bị phân tán", ông Lai nói. Thêm vào đó, từ 2014 đến nay, các DNNN phải trích lập từ 3-10% thu nhập thuộc diện chịu thuế phát sinh trong năm để thành lập quỹ này, tuy nhiên "trình tự, thủ tục giải ngân của quỹ hết sức khó khăn".
Chia sẻ một kết quả nghiên cứu của một cơ quan chức năng, ông Lai cho biết: Từ 2011 đến 2019, số lượng DNNN trích lập quỹ này chỉ chiếm rất nhỏ, chỉ khoảng 1/1000. Đáng chú ý, trong số 1/1000 đó, có đến 80% doanh nghiệp không sử dụng đến quỹ.
Thêm vào đó, phần lớn số tiền trích lập lại rơi vào 10 doanh nghiệp lớn chiếm 16 nghìn tỷ trong tổng số 22 nghìn tỷ đã trích lập. Và trong số 10 doanh nghiệp đã nêu, tỷ lệ sử dụng quỹ cũng chỉ khoảng 30%.
"Điều này cho thấy còn một khoảng cách nhất định giữa mục tiêu trích lập quỹ với yêu cầu thực tế", ông Lai bình luận và cho rằng cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ và giải phóng nguồn lực đang tồn đọng tại các Quỹ phát triển khoa học công nghệ này.
Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng ảnh 6 Chỉ 1/1000 doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, 80% không sử dụng ảnh 7
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC (trái) và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.
Liên quan đến câu chuyện này, tại phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, cơ chế hiện nay đang coi việc quản lý Quỹ 10% lợi nhuận trước thuế của DNNN để phát triển khoa học công nghệ như quản lý ngân sách nhà nước. Do đó các doanh nghiệp có tâm lý e ngại vì "khó" làm.
Trước thực tế này, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, ông Trần Văn Tùng tiết lộ, Bộ KH&CN đang ngồi lại với Bộ Tài chính để xem xét kỹ vấn đề còn vướng mắc, từ đó thay đổi thông tư.
"Về mặt quản lý thì chỉ là thay đổi thông tư nhưng trên thông tư còn có Luật ngân sách do đó chúng ta phải xem xét lại rất kỹ vấn đề còn vướng mắc để ra thông tư phù hợp mà từ đó doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ", ông Tùng nêu quan điểm.
Mặc khác, theo ông Tùng, mong muốn của Bộ KH&CN là khi sử dụng, tiền ngân sách chỉ chiếm 1 phần, còn 2 phần nữa phải từ chính doanh nghiệp.
"Khi chúng ta có tỷ lệ nhà nước bỏ ra 1, doanh nghiệp và xã hội bỏ ra 2 phần thì từ đó mới có thêm nguồn lực để đầu tư vào khoa học công nghệ trong tương lai", Thứ trưởng Tùng nói. 
Ông cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu để Quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp thay đổi cơ chế quản lý tài chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sử dụng quỹ này để phát triển khoa học công nghệ. "Bộ KH&CN sẵn sàng lắng nghe các góp ý của doanh nghiệp, bộ ngành để có những đề xuất sửa đổi chính sách, xây dựng kế hoạch đề án phát triển hệ sinh thái KN&ĐMST mở trong tương lai", ông Tùng cho biết.
 
TECHFESH được biết đến là sự kiện thường niên lớn nhất hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, TECHFESH 2021 chính thức được khởi động trở lại từ ngày 16/9 với chủ đề “Embracing Innovation - Reshaping The Future” (“Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai”) với nhiều chuỗi sự kiện, tọa đàm trực tuyến liên quan đến hoạt động, giải pháp đổi mới sáng tạo được tổ chức để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.
Theo đó, hơn 50 sự kiện sẽ được tổ chức xuyên suốt từ giữa tháng 9 đến tháng 12 trên toàn quốc bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF), Văn phòng Đề án 844, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC).
Các sự kiện đã quy tụ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các đơn vị hỗ trợ, chuyên gia, nhà đầu tư trên 16 lĩnh vực công nghệ/các khía cạnh liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong nước cũng như quốc tế.
Trong khuôn khổ TECHFESH 2021, lần đầu tiên thông điệp thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo được Bộ KH&CN đưa ra với sự tham gia trao đổi thảo luận của nhiều chủ thể trong hệ sinh thái. Tham dự sự kiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo, định hướng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi khía cạnh từ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đến phát triển bền vững.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE