Giá vàng đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm đến nay và đang hướng đến năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2020. Thúc đẩy đà tăng này là hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, nhu cầu cao ở Trung Quốc và nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Theo số liệu tính đến tháng 5/2024 của Hội đồng Vàng Thế giới, quốc gia đang nắm giữ nhiều vàng nhất là Mỹ, với 8.133 tấn trị giá 628 tỷ USD. Một nửa lượng vàng dự trữ của nước này được lưu trữ tại Kho lưu trữ vàng của Mỹ, thường được gọi là Fort Knox. Đức xếp thứ hai với 3.351 tấn, tiếp theo là Italy với 2.452 tấn.
Các ngân hàng trung ương nắm giữ hầu hết vàng trên thế giới. Kim loại quý này là một loại tài sản dự trữ quốc gia do các đặc điểm về mức độ an toàn, tính thanh khoản và lợi nhuận. Các ngân hàng trung ương nắm giữ khoảng 20% tổng lượng vàng khai thác được trong suốt lịch sử.
Trong nửa đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương đã mua 483 tấn vàng - một mức cao kỷ lục mới. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua vàng nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, với lượng mua tổng cộng 45 tấn. Ấn Độ xếp thứ hai, khi mua tổng cộng 37 tấn vàng trong sáu tháng đầu năm.
Trung Quốc thường là nước mua vàng hàng đầu thế giới, nhưng gần đây đã giảm tốc độ mua kim loại quý này, tạm ngừng hoạt động mua vào trong tháng Năm và tháng Sáu. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã tăng trữ lượng vàng trong 18 tháng liên tiếp.