Bùng nổ nhu cầu di chuyển bằng hàng không tại khu vực châu Á

Các hãng hàng không Singapore Airlines, Scoot, Cebu Pacific, HK Express đã thông báo bổ sung thêm hàng chục chuyến bay tới các thành phố khắp châu Á.

Các hãng hàng không Singapore Airlines và Scoot đã thông báo bổ sung thêm hàng chục chuyến bay tới các thành phố khắp châu Á.

Nhu cầu di chuyển bùng nổ và các biện pháp phòng dịch được nới lỏng là những yếu tố để 2 hãng hàng không của Singapore này tăng cường các chuyến bay tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Xu hướng này cho thấy sự hồi phục của ngành hàng không tại châu Á sau 2 năm đình trệ do dịch bệnh.

Theo kế hoạch, Scoot sẽ khai thác lại tuyến bay tới 2 thành phố của Indonesia là Yogyakarta và Pekanbaru với tần suất 2 chuyến/tuần vào tháng 10 này. Bên cạnh việc khôi phục hầu hết các đường bay cũ, hãng hàng không giá rẻ này cũng khai thác thêm một số tuyến bay mới, ví dụ như từ Singapore đến Lombok và Makassar (cùng của Indonesia) vào tháng 10.

Scoot cũng sẽ khai thác thêm một đường bay thẳng theo mùa đến Sapporo dành cho những du khách muốn leo lên những con dốc ở Nhật Bản vào mùa Đông này.

Trong khi đó, hãng hàng không Singapore Airlines chú trọng đến thị trường Trung Quốc với đường bay mới tới các thành phố Bắc Kinh, Thành Đô, Thâm Quyến.

Quảng cáo

Cũng theo xu hướng này, hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific của Philippines bắt đầu tái khởi động đường bay quốc tế đầu tiên của mình từ Davao đến Singapore trong tháng 10 này. Còn AirAsia sẽ nối lại một số chuyến bay giữa Malaysia và Indonesia, bao gồm cả đường bay mới nối giữa Penang với Bali (Indonesia).

Sau khi Hong Kong (Trung Quốc) nới lỏng các hạn chế phòng dịch, hãng hàng không giá rẻ HK Express của Cathay Pacific đã công bố kế hoạch bổ sung hơn 400 chuyến bay nối Hong Kong với Singapore, Bangkok và một số thành phố ở Nhật Bản trước cuối năm nay.

Ông James Marshall, Phó Chủ tịch phụ trách hàng không toàn cầu của Tập đoàn mua sắm và du lịch trực tuyến Expedia Group, cho rằng sự hạn chế trong lựa chọn chuyến bay đối với du khách ở châu Á là một trong những lý do khiến giá vé máy bay ở mức khá cao. Ông nhận định rất khó để dự đoán liệu giá vé máy bay đã ở mức cao nhất hiện nay hay không dù các hãng hàng không tăng công suất khai thác.

Tình trạng thiếu hụt lao động được xem là thách thức đối với ngành hàng không và khiến giá vé tăng cao. Hiệp hội nhân viên phi hành đoàn Hong Kong, tổ chức đại diện cho các phi công của hãng Cathay Pacific, cảnh báo rằng ngoài việc thiếu nhân sự, vấn đề về nguồn cung và nhu cầu cao cũng là những yếu tố khiến giá vé máy bay tiếp tục tăng.

Ông Marshall chỉ rõ nhân sự được cho là nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn hàng không ở châu Âu và Bắc Mỹ vào mùa Hè vừa qua và đây cũng là vấn đề mà các hãng hàng không châu Á không muốn lặp lại.

Theo ông, nếu các hãng hàng không vẫn thận trọng về việc bổ sung các chuyến bay mới và nhu cầu vẫn mạnh - đặc biệt là khi mùa du lịch Giáng sinh sắp tới gần, việc hạ giá vé máy bay có thể không thành hiện thực trong một thời gian./.

Theo Vietnamplus Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Goldman Sachs: Thuế mới có thể khiến các công ty nước ngoài thiệt hại 10 tỷ USD/năm

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ngày 21/2 cho biết kế hoạch áp thuế 10% đối với dầu nhập khẩu của Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất nước ngoài thiệt hại 10 tỷ USD mỗi năm.

Goldman Sachs: Các thương vụ "khủng" sẽ tăng tốc trong năm tới Goldman Sachs: Mỹ có thể sẽ chỉ áp thuế 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

FDI toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 41.000 tỷ USD, Mỹ dẫn đầu trong thu hút FDI

Theo khảo sát đầu tư trực tiếp mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã tăng trở lại trong năm 2023 sau khi giảm vào năm trước đó. FDI đã tăng 1,75 nghìn tỷ USD, hay 4,4%, đạt mức kỷ lục 41 nghìn tỷ USD.

Việt Nam thu hút gần 31,4 tỷ USD vốn FDI trong 11 tháng Việt Nam thu hút hơn 4,3 tỷ USD vốn FDI trong tháng đầu năm 2025