Mối quan hệ yêu – ghét vẫn tiếp diễn. Trong vòng gần 2 năm các nhà lãnh đạo Trung Quốc siết chặt tín dụng bất động sản đẩy thị trường vào khủng hoảng. Giờ đây khi kinh tế đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự thất bại của chính sách không COVID-19, chính phủ đang cố gắng cứu thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Nhà ở Trung Quốc, ông Ni Hong, cho biết tham vọng của ông trong năm nay chính là khôi phục niềm tin, ngoài ra, trong những tháng gần đây giới chức cũng đã công bố nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn. Những nỗ lực này đang giúp hồi sinh thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho thị trường dễ chịu tổn thương từ những cú tăng trưởng và suy giảm hơn bao giờ hết, theo nội dung bài báo mới được Economist đăng tải.
Đợt suy giảm năm 2022 trên thị trường bất động sản Trung Quốc tệ hại nhất trong thời gian gần đây. Doanh số bán bất động sản giảm nhanh hơn so với trước đây. Đầu tư bất động sản giảm lần đầu tiên tính từ khi các số liệu được tính toán năm 1999.
Các quỹ dành cho doanh nghiệp bất động sản giảm 25%. Trong suốt 15 năm qua, giá nhà tại Trung Quốc chủ yếu theo xu thế tăng, Và trong 6 tháng qua, giá nhà đã không ngừng trong xu thế sụt giảm.
Một trong những lý do đằng sau sự sụt giảm trên thị trường bất động sản chính là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc giảm tình trạng nghiện vay nợ của ngành. Khoảng 2/3 tài sản của các gia đình khu vực đô thị hiện đang nằm trong bất động sản, ngành này cũng đóng góp khoảng 20% GDP.
Các doanh nghiệp bất động sản đã nợ nần chồng chất, tổng nợ ước tính khoảng 5,2 nghìn tỷ USD tính đến tháng 6/2021. Năm 2020, chính phủ đã loại bỏ nhiều doanh nghiệp khỏi thị trường vốn, họ yêu cầu nhóm các doanh nghiệp này phải giảm nợ. Hàng chục doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ, chính vì vậy nhiều ngân hàng cho vay và khách hàng phải lãnh hậu quả. Nhiều dự án nhà ở mới không được hoàn thành dù rằng khách hàng đã trả tiền cho nó. Nhiều người mua nhà vì vậy ngừng trả tiền thế chấp và biểu tình.
Kết hợp với chính sách không COVID-19 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính sách siết chặt kiểm soát trên thị trường bất động sản đã mang đến thảm họa cho kinh tế Trung Quốc, GDP tăng trưởng chỉ 3% trong năm ngoái và như vậy ghi nhận một trong những mức độ tăng trưởng tồi tệ nhất trong lịch sử. Các đợt phong tỏa ngăn COVID-19 trở nên tồi tệ hơn trong cuộc khủng hoảng nhà đất bởi nhiều người mua nhà không thể đi xem căn hộ mẫu, cùng lúc đó nhiều người trẻ tuổi trong nỗi lo về tương lai bất định đã trì hoãn việc chi tiêu các khoản tiền lớn.
Giờ đây, chính sách không COVID-19 đã không còn, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chạy đua vực dậy tâm lý thị trường. Chính quyền trung ương đã yêu cầu các ngân hàng hoàn thành các dự án còn dang dở. Một số giới chức địa phương hiện đang đưa ra đảm bảo cho các doanh nghiệp bất động sản để họ có thể huy động thêm nợ.
Những biện pháp mới nhất đang mang đến “sinh khí” cho thị trường. Số lượng nhà mới được hoàn thành giảm chỉ 6% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 12/2022 sau khi giảm đến 18% trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 11/2022. Như vậy, dường như các nguồn vốn của chính phủ đang được chuyển đến để hoàn thành dự án trì hoãn từ trước. Khi mà nhiều người đã trả tiền mua nhà cuối cùng cũng đã được nhận chìa khóa, nhiều người mua tương lai có thể được trấn an và cố gắng trả nốt phần còn lại cho nhà của họ.
So với thời điểm 1 tháng trước đó, doanh số bán nhà đang sử dụng tăng khoảng 20% trong 10 ngày đầu của năm 2023. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn bán căn hộ giảm giá nữa. Ngoài ra, có doanh nghiệp bất động sản thậm chí còn huy động được nợ bằng đồng USD từ nhà đầu tư ngoại ở thời điểm giữa tháng 1/2023 sau hơn 1 năm kênh huy động vốn này bị đóng băng.
Tất cả những điều này đồng nghĩa kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng trong ngắn hạn, và vì vậy đẩy tăng trưởng toàn cầu lên cao. Rủi ro hiện nay chính là liệu Trung Quốc có đi quá xa hay không.
Nhiều nhà kỹ trị thường phản ứng với khủng hoảng bằng quá nhiều thanh khoản. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009, phần lớn gói kích cầu của Trung Quốc được chảy vào thị trường bất động sản. Đợt suy giảm trên thị trường năm 2014, giới chức sau đó đã nới lỏng chính sách quá mức đến nỗi mà giá nhà tại nhiều nơi tăng gấp đôi sau 1 năm. Còn ở nhiều nơi khác xảy ra tình trạng xây dựng quá đà, vì vậy tình trạng thành phố ma phát triển khắp Trung Quốc.