Hội nghị tập trung triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chính phủ phê duyệt ngày 16/12/2023.
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến thu nhập bình quân đầu người 18.500 USD vào năm 2030
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, quy hoạch phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chính phủ phê duyệt ngày 16/12/2023, xác định mục tiêu đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 đến 18.500 USD. Đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26.
“Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần này đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, phát triển tỉnh thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ”, ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, sau 33 năm thành lập, vai trò, vị thế của tỉnh ngày càng được thể hiện rõ trong tiến trình phát triển. Tỉnh trở thành một cực tăng trưởng quan trọng, thu ngân sách luôn nằm trong Top 5 và GRDP/người đứng đầu cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ lựa chọn 4 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột để phát triển. Đó là công nghiệp; kinh tế hàng hải, dịch vụ logistics; du lịch; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại. Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch bổ sung 7 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 16.052ha và 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất 547ha.
Đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI
Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu có 1.158 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 465 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 33 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước, và 692 dự án trong nước với tổng vốn đạt 400 ngàn tỷ đồng. Riêng Quý I/2024, tỉnh thu hút hơn 1,5 tỷ USD vốn FDI và vốn đầu tư trong nước hơn 25.000 tỷ đồng. Với 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tập đoàn, định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam đến đầu tư với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít thâm dụng lao động, năng suất cao, thân thiện với môi trường.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư và tăng vốn cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.880 tỷ đồng và hơn 1,482 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiêu biểu. Trong số 15 dự án nêu trên có 10 dự án trong nước và 5 dự án FDI, gồm:
Công ty TNHH Hóa Chất Hyosung Vina với dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép, tổng vốn đầu tư tăng thêm 49 triệu USD, tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1,6 tỷ USD; Công ty Tosoh Corporation với dự án TVP tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tổng vốn đầu tư 176 triệu USD; Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) với dự án Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) tại KCN Châu Đức, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD; Công ty TNHH Điện tử - Nghe nhìn BOE Việt Nam với dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 tại KCN chuyên Sâu Phú Mỹ 3, tổng vốn đầu tư 277,5 triệu USD; Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với dự án sản xuất Bio-based (1,4 Butanediol) BDO tại KCN Phú Mỹ II, tổng vốn đầu tư 730 triệu USD.
Được thành lập năm 1966, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) có thế mạnh ở đa lĩnh vực từ sợi spandex, nylon, đến các vật liệu kỹ thuật trong ô tô như tire cord, steel cord... Hiện, Hyosung đã đầu tư lũy kế hơn 4 tỷ USD vào các sản phẩm thế mạnh như sợi spandex và tire cord.
Năm 2007, Tập đoàn này đầu tư tại Việt Nam thông qua dự án nhà máy tại Đồng Nai. Đến nay, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc đã đặt cơ sở sản xuất tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Bắc Ninh với hơn 9.000 lao động.