Kết thúc phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index tăng 5,2 điểm (+0,49%) lên 1.064,64 điểm, kết thúc quý 1 với chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, đây cũng là chuỗi tăng tiếp diễn dài nhất kể từ đầu tháng 8/2021. VN-Index tăng 17,85 điểm, tương đương 1,71% trong tuần cuối quý. Bên cạnh đó, VN30 cũng tăng 6,44 điểm (+0,6%) lên 1.073,68 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 198 mã tăng/184 mã giảm, riêng rổ VN30 có 15 mã tăng và 9 mã giảm. Nhóm vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ cũng tăng lần lượt 0,72% và 0,43%.
Thanh khoản toàn thị trường đạt 13.336 tỷ đồng, tăng 7,5% so với phiên liền trước và cao nhất trong 26 phiên gần đây, qua đó kéo thanh khoản bình quân tuần tăng 18,4% so với tuần trước.
Khối ngoại bán ròng nhẹ 138 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần cuối tháng 3 sau chuỗi mua ròng 3 tuần liên tiếp. Tuy vậy, lũy kế từ đầu năm khối ngoại vẫn mua ròng 6.957 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn qua các kênh ETF tuần vừa qua mua ròng 19,32 triệu USD (~ 450 tỷ đồng), lũy kế từ đầu năm các quỹ ETF đã giải ngân 206 triệu USD (~ 4.834 tỷ đồng).
Tựu chung lại, thị trường khép lại quý 1 với những tín hiệu tích cực từ chỉ số đến dòng tiền. Chỉ số VN-Index chốt lại tháng 3 với mức tăng 3,9%. Thanh khoản thị trường tuần cuối tháng 3 cũng đạt mức cao nhất trong 5 tuần với mức bình quân 11.735 tỷ đồng/phiên.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân cao cấp, CTCK MB (MBS), VN-Index tăng là phù hợp với bối cảnh hiện tại khi mà các thị trường chứng khoán thế giới cũng tăng mạnh do FED có khả năng sẽ không tăng lãi suất nữa. Chính xác hơn thì VN-Index đang tăng chậm hơn so với chỉ số DowJones của thị trường chứng khoán Mỹ.
Chuyên gia này nêu, thị trường bước vào tháng 4 với nhiều sự nghi ngờ, do tháng 4 được cho là tháng có mức sinh lời tệ nhất của VN-Index. Tổng kết trong 13 năm gần nhất 2010 - 2022, đã có 8 lần thị trường giảm trong tháng 4. Thời điểm hiện tại cũng là lúc ra báo cáo kiểm toán, nhiều doanh nghiệp bị "bốc hơi" lợi nhuận, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ khá nhiều, điều này khiến nhà đầu tư nghi ngờ vào thị trường.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 3/4, VN-Index tăng 14,64 điểm tương đương với 1,38%, đây là mức tăng điểm tốt và hiếm hoi trong nhiều tháng gần đây. Thị trường hoàn toàn nghiêng về phe tăng với 325 mã tăng, 84 mã giảm và 35 mã đứng giá trên sàn HOSE. Thanh khoản đạt mức cao kỷ lục với tổng cộng 14.174 tỷ đồng khớp lệnh.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 313 tỷ đồng, tập trung ở các mã bluechip như STB, SSI, VND, MSN, DCM, PNJ, BID, PVD, VNM, POW, VCB, VRE, ....
Bình luận về phiên đầu tuần này, ông Tuấn cho rằng, thị trường hưng phấn từ đầu phiên do những thông tin tích cực từ việc giảm lãi suất điều hành được thông báo vào ngày 31/3. Nhà đầu tư tin rằng chính sách tiền tệ đã đảo chiều, đồng nghĩa với việc đáy của thị trường chứng khoán đã được hình thành. Cả hai bên mua bán đều đang giao dịch quyết liệt, điều này thể hiện qua thanh khoản thị trường ở mức cao.
Nếu có nhịp giảm là cơ hội để nhà đầu tư có thể "lên tàu"
Trước thời điểm 31/3, một số ý kiến cho rằng có thể tới tháng 5,6 NHNN mới hạ lãi suất, khi mà chính sách điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng theo hướng dừng việc nâng lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan điều hành Việt Nam đã đưa ra động thái hạ lãi suất ngày ngày cuối cùng của quý 1. Như vậy, lãi suất đã hạ liên tiếp chỉ trong khoảng 2 tuần.
Phân tích về động thái này, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc hạ lãi suất điều hành liên tục. Thứ nhất, NHNN đã cảm thấy việc FED nâng lãi suất sẽ không khiến đồng USD tăng giá và không còn ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, đồng thời NHNN đã mua đủ lượng USD dự trữ cần thiết để không bị vào trạng thái bị động khi tỷ giá USD/VND tăng lên ngưỡng 25.800 đồng như lần trước.
Nguyên nhân thứ hai chính là do sắp tới lượng trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn vào quý 2 và quý 3, lần lượt xấp xỉ 93.140 tỷ đồng và 89.500 tỷ đồng. NHNN đã có nhiều động thái từ hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp như được phép chuyển đổi trái phiếu thành tài sản để trả nợ, được gia hạn trái phiếu, cho phép nhà đầu tư không chuyên nghiệp mua trái phiếu. Động thái hạ lãi suất điều hành, chuyên gia MBS cho rằng đây là hành động quyết liệt cuối cùng nhằm giữ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp không bị đổ vỡ.
Theo vị chuyên gia này, việc giảm lãi suất điều hành mang lại 3 điểm tích cực đối với thị trường vốn. Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi mà vốn vay được giảm lãi suất. Qua đó lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Thứ hai, thị trường chứng khoán sẽ trở nên hấp dẫn hơn do định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), các doanh nghiệp đều tăng lên nhờ lãi suất giảm. Thứ ba, sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền từ gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu và thị trường chứng khoán.
Nhận định về xu hướng VN-Index trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, nếu tiếp tục giữ được đà giảm lãi suất điều hành, thậm chí có thể giảm hơn thì VN-Index có thể lên tới vùng 1.150 điểm trong tháng 4. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến lượng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong quý 2 này.
“Thị trường đánh dấu phiên thứ 10 tăng điểm trong nghi ngờ, thậm chí tăng mạnh. Tôi cho rằng điều này sẽ khó tiếp diễn trong ngắn hạn, tuy nhiên, nhịp giảm kế tiếp nếu có sẽ chính là cơ hội để nhà đầu tư có thể "lên tàu". Nhóm cổ phiếu nên mua vào là nhóm chứng khoán, ngân hàng và bất động sản”, chuyên gia MBS nêu quan điểm.