2 cường quốc công nghệ đua nhau đưa mặt hàng quan trọng này đến Việt Nam: Chi hơn 3 tỷ USD nhập khẩu, nước ta tạo ra “kho báu” được nửa thế giới săn lùng

Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang đua nhau đưa mặt hàng này đến Việt Nam.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhựa (chất dẻo nguyên liệu) của Việt Nam trong tháng 4/2024 đạt 664.359 tấn với trị giá hơn 923 triệu USD, giảm nhẹ 3,4% về lượng và giảm 3,3% về kim ngạch so với tháng 3/2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm, nước ta chi hơn 3,4 tỷ USD nhập khẩu nhựa với 2,49 triệu tấn, tăng 24% về lượng và tăng 13,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.376 USD/tấn, giảm 8,3% so với 4T/2023.

Xét về thị trường, 2 gã khổng lồ công nghệ đều đang tăng mạnh xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Đối với Trung Quốc, sản lượng nhập khẩu nhựa trong 4 tháng đầu năm đạt 601.992 tấn, tương đương gần 911 triệu USD, tăng 38,6% về kim ngạch nhưng giảm 11% về giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân đạt 1.514 USD/tấn, giảm 11%.

Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 ở mặt hàng chất dẻo nguyên liệu, đạt 520.207 tấn, tương đương 713,77 triệu USD, tăng 29,7% về lượng và tăng 16% về kim ngạch so với 4T/2023. Giá trung bình 1.372 USD/tấn, giảm 10,6% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

screenshot-2024-06-01-002417-6194.png
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Quảng cáo

Bên cạnh 2 thị trường nêu trên, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang tăng xuất khẩu chất dẻo đến Việt Nam với 253.431 tấn, trị giá 368,13 triệu USD, tăng 18,8% về lượng và tăng 7,5% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá bình quân 1.452 USD/tấn, giảm 9,5%.

Chất dẻo, hay còn gọi là nhựa hoặc polymer là loại nguyên liệu quan trọng được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng, phục vụ đời sống con người cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế như điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp,...

Hiện nay Việt Nam có thể sản xuất được các nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore…

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trong 5 năm qua duy trì ở mức từ 12 - 15%/năm. Tổng doanh thu ngành nhựa hiện đã đạt trên 25 tỷ USD. Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng trưởng từ 5,589 triệu tấn trong năm 2018 lên 7,12 triệu tấn trong năm 2022.

Hiện sản phẩm nhựa Việt đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới, có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc và cộng đồng các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha…Trong năm 2023, Việt Nam đã thu về hơn 2,1 tỷ USD từ xuất khẩu mặt hàng này, giảm 6,1% về trị giá so với năm 2022.

Hiện ngành nhựa Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là lợi thế lớn để gia tăng sản lượng xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam ở thị trường quan trọng này.

Theo markettimes.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu