Xuất khẩu điều nhân tăng trưởng tốt nhưng nhiều nhà máy kinh doanh kém hiệu quả

4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng đều tăng, đáng chú ý, nhiều thị trường lớn tăng từ 2 - 3 con số. Xuất khẩu hạt điều tăng trưởng tốt nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chu kỳ xuống giá đã chấm dứt

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2024, xuất khẩu hạt điều đạt trên 67 nghìn tấn, trị giá 358,58 triệu USD, so với tháng trước, tăng 13,7% về lượng và trị giá. So với cùng kỳ năm ngoái tăng đến 30,4% lượng và 17,4% về trị giá.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 217,54 nghìn tấn, trị giá 1,17 tỷ USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường truyền thống và tiềm năng tăng trưởng tốt, đặc biệt tại nhiều thị trường lớn ghi nhận mức tăng từ 2 - 3 con số.

Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, vào khoảng tháng 3/2024, do tác động của hiện tượng El Nino nắng nóng trở nên gay gắt hơn đã ảnh hưởng đến sản xuất điều toàn cầu, làm khô bông, cháy bông điều, … đặc biệt là ở khu vực Tây Phi bị ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, dẫn đến thị trường quay đầu và chu kỳ xuống giá đã chấm dứt.

“Có 2 nguyên nhân khiến thị trường quay đầu đó là sản lượng điều toàn cầu giảm và yếu tố con người. Chính yếu tố con người tác động rất lớn lên giá điều thô, do việc đầu cơ tích trữ của các đại lý thu mua trong nước cho đến các nhà buôn quốc tế cũng như các tầng lớp khác đều có tư tưởng như vậy, khiến nguồn cung bị giảm đẩy giá điều thô tăng lên, khi giá tăng lên thì không ai có thể bán rẻ được và buộc giá điều nhân cũng phải tăng theo. Hiện nay giá điều nhân đã tăng lên từ 20 - 25%”, Phó chủ tịch Vinacas nói.

Ngay từ đầu năm, Vinacas đã khuyến cáo đến các thành viên trong hiệp hội không vội ký hợp đồng bán trước, hãy bình tĩnh xem xét tình hình vụ mùa như thế nào hoặc chờ có nguyên liệu trong tay, cân đối thấy có lãi hãy bán. Dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp đã quyết định bán trước và hầu như có gần 90% nhà máy điều Việt Nam là ký hợp đồng bán trước, có người bán trước ít nhất là 6 tháng, có người bán xa hơn là 8 tháng.

Quảng cáo

Ông Huyên cho biết thêm, ký hợp đồng bán trước đến vụ thu hoạch nếu có dấu hiệu mất mùa doanh nghiệp chịu áp lực mua nguyên liệu rất lớn, vì bán trước đồng nghĩa với bán giá thấp, vào vụ nếu giá nguyên liệu không xuống họ lại vội vàng mua vào, đó cũng là nguyên nhân chính đẩy giá điều thô tăng lên.

Nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không bán trước sẽ không bị áp lực mua nguyên liệu, mà đợi chờ đến vụ thu hoạch cân đối giá bán nhân và giá mua điều thô thấy có lãi thì hãy mua vào, nhưng đã bán trước rồi buộc phải mua điều thô với giá cao, lo sợ nếu không mua giá tăng lên nữa bồi thường hợp đồng không nổi.

“Đó là tư duy kinh doanh thiếu hiệu quả do công tác dự đoán, dự báo thị trường thiếu chính xác, và xây dựng kế hoạch kinh doanh chưa phù hợp với điều kiện thực tế với năng suất của cây trồng và quy luật cung cầu của thị trường”, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 nói.

Rủi ro khi giá tăng cao

Dù giá xuất khẩu đã tăng từ 20 - 25% nhưng có một số doanh nghiệp không có lãi làm thậm chí thua lỗ do ký bán trước lúc giá thấp, khi vào vụ năng suất điều trên toàn cầu giảm, giá nguyên liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp ký bán trước lỗ ít hoặc lỗ nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một số người ký bán với một lượng vừa phải nhưng mua được lượng điều thô lớn nên vẫn có hiệu quả. Dự báo, sắp tới giá điều nhân sẽ giữ vững hoặc tăng nhẹ vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp thận trọng trong việc bán hàng, trường hợp đã có hàng trong kho cân đối thấy có lãi hãy bán, nếu không hãy giữ lại hàng trong kho.

“Nếu nguồn cung điều thô thiếu không biết giá sẽ lên như thế nào, tuy nhiên, giá điều thô đã tăng cao rồi nếu tiếp tục bị đẩy lên nữa thì mọi người hãy cảnh giác đừng nên tham gia vào, vì khi giá quá cao thì rủi ro cao cũng đi liền mà lợi ích mang về chắc chắn sẽ không cao”, ông Huyên nhấn mạnh.

Văn phòng Vinacas cho biết, vụ điều ở Việt Nam và Campuchia đã gần kết thúc và không có nhiều giao dịch. Giá điều thô Tây Phi vẫn chào cao hơn so với mức tăng của giá điều nhân và chưa có nhiều giao dịch. Một số người bán bắt đầu chào hàng đang giao trên biển. Thị trường điều thô đã sôi động hơn, có nhiều chào hàng hơn từ các nhà thương mại nhưng với mức giá rất cao nên người mua không có nhu cầu hoặc không thể trả giá. Có một số chào hàng đang trên tàu ở mức giá rất cao nên người mua không thể cân đối được với giá điều nhân.

Tại hội nghị INC được tổ chức tại Canada vào tuần trước, mọi người dự đoán sản lượng điều thô năm nay thiếu hụt khoảng 7% trên toàn thế giới. Mới đây, Chính phủ Bờ Biển Ngà đã đình chỉ việc mua và xuất khẩu điều thô. Điều này đang gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Một số người cho biết họ đã có hàng nhưng hiện không thể xuất khẩu được và phải chờ giấy phép từ cơ quan Chính phủ.

Theo Tạp chí Thời Đại Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

"Chảo lửa" Trung Đông - biến số khó lường trên thị trường dầu mỏ

Giá dầu thế giới sẽ biến động như thế nào giữa bối cảnh xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang và xuất hiện những lo ngại mới về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ?

Xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia, Nga và Mỹ giảm mạnh Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc 17.000 tỷ đồng TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành