Xuất khẩu nông lâm sản có thể cán đích với kim ngạch lên đến 54 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 giảm 11,1% so với cùng kỳ, song vẫn có đến 7 sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD như: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Triển vọng thị trường các mặt này 6 tháng cuối năm sẽ thế nào

Xuất khẩu gạo sẽ tăng trưởng tốt đến cuối năm

6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD. So với cùng kỳ tăng 22,2% khối lượng và tăng 34,7% giá trị. Dự kiến, xuất khẩu gạo cả năm 2023 đạt xấp xỉ 8 triệu tấn, thu về khoảng 4 tỷ USD.

Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 508 USD/tấn, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan, thậm chí có thời điểm cao hơn, đối với gạo 5% tấm của Ấn Độ thì giá gạo Việt Nam luôn cao hơn từ 30 – 50 USD/tấn.

Nhận định về triển vọng thị trường gạo xuất khẩu 6 tháng cuối năm, bà Hà Thị Ngọc Thịnh, Chuyên viên phân tích thị trường gạo AgroMonitor cho biết, hầu hết các khách hàng lớn của Việt Nam đều tăng mua, nhu cầu này sẽ vẫn duy trì đến cuối năm nay. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn cung trong bối cảnh lượng gạo Việt Nam thấp và lượng tồn kho mỏng kéo dài từ cuối năm 2022 đến vụ Đông Xuân năm 2023, cùng với các hợp đồng cũ được chuyển từ vụ Thu Đông 2022 sang Đông Xuân 2023.

screenshot-2023-07-05-at-183459-2375.png

“Dự báo lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong các quý 2,3 và 4 sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực, có thể đạt ở mức 7 triệu tấn, thậm chí hơn. Giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao. Nhu cầu nhiều đến từ các thị trường Indonesia, châu Phi, Philippines. Ngoài ra, sức mua lai rai đến từ Malaysia, Cuba và Trung Quốc”, bà Thịnh nhận định.

Nhu cầu tôm từ các thị trường chính dự báo nhích nhẹ

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tháng 6/2023, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ, là mức giảm thấp nhất từ đầu năm đến nay. Luỹ kế 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.

Các thị trường nhập khẩu chính như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi 2 yếu tố chính là lạm phát và tồn kho, nhưng lượng tồn kho đang được giải tỏa dần, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm.

“Khi lạm phát tại nhiều thị trường như Mỹ, EU … chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sẽ là “cái phanh” kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản. Một số thị trường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bởi vì ở những thị trường này, Việt Nam chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc”, bà Hằng nói.

Niên vụ cà phê 2023-2024 có thể giảm 20% sản lượng

Xuất khẩu cà phê trong tháng 6/2023, ước đạt 150.000 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tượng El Nino hoạt động mạnh trong quý cuối năm nay sẽ gây ra kiểu thời tiết khô hạn tại Việt Nam, khiến vùng trồng cà phê chính thiếu độ ẩm phù hợp để cây cà phê phát triển, và sản lượng sẽ không hồi phục được như kỳ vọng.

Quảng cáo

Ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê-Ca cao (Vicofa), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, biến đổi khí hậu cộng với hiện tượng El Nino nên thời tiết năm nay diễn biến khá phức tạp, khó đoán sản lượng cà phê toàn cầu tăng hay giảm. Riêng niên vụ cà phê 2023-2024 của Việt Nam phải chờ đến tháng 9 mới biết sản lượng có đạt hay không? Tuy nhiên, có nhiều dự báo vụ cà phê năm nay sẽ giảm khoảng 20%.

Hiện các nhà rang xay quốc tế tăng sử dụng cà phê Robusta thay thế một phần Arabica trong chế biến, đẩy lượng tiêu thụ Robusta trên thị trường thế giới tăng. Sản lượng giảm, nhu cầu tăng là yếu tố giúp ổn định giá cà phê xuất khẩu.

“Ngoài nhu cầu đến từ các nhà rang xay nước ngoài thì nhu cầu từ các nhà rang xay trong nước cũng làm giá cà phê tăng, vì lượng cà phê Robusta họ tiêu thụ đang chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là một trong những tác nhân chính đẩy giá cà phê tăng trong thời gian qua”, ông Hiệp chia sẻ.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả về đích sớm một năm so với mục tiêu

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sau khi trải qua một năm 2022 nhiều biến động ngành rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội thị trường đang mở ra phía trước, và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 là 4 tỷ USD, đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Nếu 6 tháng cuối năm xuất khẩu rau quả vẫn giữ được nhịp tăng trưởng này thì cả năm xuất khẩu rau quả có khả năng đạt 5 tỷ USD, về đích trước một năm so với mục tiêu Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đặt ra.

Xuất khẩu sản phẩm gỗ cuối năm vẫn có những biến tính tích cực

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5,96 tỷ USD, giảm 29 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm gỗ đạt 4,07 tỷ USD, giảm 32,83% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ số 1 của Việt Nam, lạm phát ở thị trường này tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn.

Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023. Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Hoa Kỳ ngang nhau, ở mức 31%. Các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ cao sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023.

“Dự kiến, tình hình cuối năm có thể không quá sáng sủa nhưng vẫn có những biến tính tích cực, và để chuẩn bị cho các đơn hàng lớn ngoài việc giảm chi phí, giảm khó khăn cho doanh nghiệp vấn đề trước mắt là tập trung thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường nước ngoài”, ông Phương nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cần có các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có thể không đạt chỉ tiêu. Theo đó, mặt hàng nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

“Với mục tiêu đặt ra 54 – 55 tỷ USD, muốn đạt được mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7 - 8%. Bên cạnh hoàn thiện các văn bản pháp luật, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại là rất quan trọng. Bởi không có thị trường thì không thể bán hàng được”, ông Việt nói.

Theo Thời Đại Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giải mã thông điệp được gửi gắm trong bộ sưu tập Vàng 24K năm Ất Tỵ của DOJI

Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, hệ sinh thái sản phẩm vàng 24K năm Ất Tỵ của DOJI còn chứa đựng những thông điệp tinh thần độc đáo, gợi mở hành trình chinh phục thành công và thịnh vượng trong năm mới.

Giá vàng thế giới nối dài đà tăng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản

Giá dầu chạm mức cao nhất 4 tháng do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga

Giá dầu phiên 13/1 đạt mức cao nhất trong bốn tháng, chủ yếu do dự đoán rằng các lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ đối với dầu Nga sẽ buộc khách mua ở Ấn Độ và Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung khác.

Giá dầu đi ngang dưới tác động giằng co từ hai phía cung cầu Giá dầu thế giới tăng trước thời tiết lạnh ở Mỹ và châu Âu