Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, trong tháng 2/2023, cả nước xuất khẩu được 28.161 tấn tiêu các loại, với kim ngạch xuất khẩu đạt 85,1 triệu USD. Trong đó, tiêu đen đạt 25.959 tấn, trị giá 74,8 triệu USD; tiêu trắng đạt 2.202 tấn, trị giá 10,3 triệu USD. So với tháng trước lượng xuất khẩu tăng 122,6%.
Cộng dồn 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 40.814 tấn tiêu, trong đó tiêu đen đạt 37.310 tấn, tiêu trắng đạt 3.504 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 128,6 triệu USD (tiêu đen đạt 111,8 triệu USD, tiêu trắng đạt 16,8 triệu USD).
So với cùng kỳ năm 2022, lượng xuất khẩu tiêu tăng 33%, tương đương 10.138 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 9%, tương đương 12,7 triệu USD.
Khối các doanh nghiệp trong VPA xuất khẩu đạt 25.963 tấn, giảm 2,7% trong khi đó khối các doanh nghiệp ngoài VPA xuất khẩu đạt 14.851 tấn, tăng 272,8% so với cùng kỳ năm trước.
Có 8 doanh nghiệp xuất khẩu trên 1.000 tấn hạt tiêu trong tháng 2, đứng đầu là Công ty Lý Hoàng Sơn xuất khẩu 2.668 tấn, tăng 682,4%.
Tiếp theo là các doanh nghiệp Trân Châu đạt 2.350 tấn, tăng 124%; Phúc Sinh đạt 1.651 tấn; Nedspice Việt Nam đạt 1.555 tấn; Đăng Nguyên Lạng Sơn đạt 1.471 tấn; Vũ Quốc Tuân đạt 1.383 tấn; Olam Việt Nam: 1.222 tấn và Harris Freeman: 1.082 tấn.
Trong số các thị trường xuất khẩu tháng 2/2023, Trung Quốc tăng nhập hồ tiêu Việt Nam trở lại ngay sau khi mở cửa và vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam, đạt 4.712 tấn, tăng 219,5% so với tháng 1/2023, chiếm 16,7% thị phần xuất khẩu.
Cộng dồn 2 tháng, xuất khẩu hồ tiêu vào Trung Quốc đạt 10.209 tấn, chiếm 25% và tăng 760,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt 7.097 tấn, chiếm 17,4% thị phần và giảm 17,2%. Một số thị trường khác cũng có lượng nhập khẩu tăng như UAE đạt 2.655 tấn, tăng 39,9%, Philippines đạt 1.129 tấn, tăng 36%. Xuất khẩu cũng tăng ở Senegal, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bangladesh nhưng giảm ở Đức, Hà Lan, Anh, Ấn Độ…
Tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.059 USD/tấn, giảm 11,1% so với tháng 1/2023 và giảm 32,8% so với tháng 2/2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu trong 02 tháng đầu năm ước đạt mức 3.177 USD/tấn, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thị trường hồ tiêu toàn cầu có xu hướng phục hồi do nhu cầu của các nhà nhập khẩu tăng. Việt Nam mặc dù đang cuối thời điểm thu hoạch chính vụ, nhưng sản lượng vụ thu hoạch hồ tiêu mới cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân là do diện tích giảm và năng suất một số vùng thấp do thời tiết không thuận lợi.
Thị phần của tiêu Việt Nam tại EU
Theo khảo sát, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường châu Á, Mỹ và châu Âu chiếm gần 85% tổng tiêu thụ hồ tiêu của thế giới. Trong đó, Đức là nước nhập khẩu tiêu lớn nhất tại châu Âu. Xuất khẩu tiêu của Brazil vào châu Âu thời gian qua không thuận lợi do bị ảnh hưởng bởi vấn đề chất lượng.
Số liệu thống kê từ Eurostat cho biết, trong 11 tháng năm 2022, EU nhập khẩu hồ tiêu từ thị trường thế giới đạt 89,92 nghìn tấn, trị giá 471,6 triệu EUR (tương đương 498,2 triệu USD), giảm 5,0% về lượng, nhưng tăng 27,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, EU giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil, Indonesia, Ấn Độ, nhưng tăng từ Việt Nam và Campuchia.
Trong 11 tháng năm 2022, EU nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 33,34 nghìn tấn, trị giá 164,48 triệu EUR (tương đương 173,75 triệu USD), tăng 4,9% về lượng và tăng 51,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hồ tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 33,57% trong 11 tháng năm 2021 lên 37,07% thị phần trong 11 tháng năm 2022. Ngược lại, EU giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil với mức giảm 21,4% về lượng, nhưng vẫn tăng 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 14,38 nghìn tấn, trị giá 57,66 triệu EUR (tương đương 60,91 triệu USD).
Nhằm đảm bảo chất lượng hồ tiêu sau thu hoạch, ngành nông nghiệp các địa phương trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đặc biệt là tỉnh Đắk Lắk, khuyến cáo người dân thu hái khi tỷ lệ hồ tiêu chín đạt trên 95%, không thu hoạch hồ tiêu xanh. Người dân khi phơi, sấy hồ tiêu sau thu hoạch phải chú trọng bảo quản chất lượng xuất khẩu và tập trung chăm sóc vườn cây tiêu sau thu hoạch để chuẩn bị cho vụ mới.
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu được dự báo có sự cải thiện trong năm 2023, khi sản xuất giảm ở một số nước sẽ được bù đắp bằng các vụ mùa bội thu hơn dự kiến ở Việt Nam và Brazil so với vụ trước. Theo đó, sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2023 dự kiến sẽ đạt 539.850 tấn, tăng so với 521.000 tấn năm 2022.