Các tranh luận về năng lực sản xuất của Trung Quốc đều có ý kiến chung rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đang mất đi khả năng cạnh tranh tương đối.
Chi phí lao động cao hơn, mâu thuẫn thương mại gay gắt, căng thẳng địa chính trị gia tăng và việc Chính phủ nước này theo đuổi chính sách phòng dịch nghiêm ngặt "Không COVID" (Zero COVID) trong nước đang khuyến khích các nhà xuất khẩu rời khỏi Trung Quốc.
Có chuyên gia thậm chí lập luận rằng thời kỳ đỉnh cao sản xuất của Trung Quốc đã đi qua và vị thế công xưởng hàng đầu thế giới sẽ bị các nước khác trong khu vực thay thế. Nói rộng ra, điều này sẽ tác động đáng kể đến quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc và các cân bằng địa chính trị đang phát triển của khu vực.
Theo nhận định của ông William Bratton, nguyên trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC, thực tế là có rất ít dữ liệu để hỗ trợ lập luận trên.
Mặc dù có rất nhiều thông tin đã được đưa ra về việc các công ty dự định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng số liệu cho thấy những động thái đó không ở quy mô đủ lớn để đảo ngược đà mở rộng của các cơ sở sản xuất trong nước cũng như khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc.
Bằng chứng rõ ràng nhất chính là các số liệu thương mại. Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ bất chấp các biện pháp phong tỏa liên quan đến dịch COVID-19. Hơn nữa, những số liệu mới nhất từ Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn trong những năm gần đây.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa chế tạo tại Trung Quốc đang tăng nhanh hơn đáng kể so với xuất khẩu của Đức, Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Kết quả là tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế tạo của Trung Quốc trên toàn cầu tính theo giá trị đã tăng lên mức cao mới là 21% vào năm ngoái, so với chỉ 17% vào năm 2017. Nước này hiện là nhà cung cấp quốc tế quan trọng hơn Đức, Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
Bên cạnh đó, trái ngược với quan điểm cho rằng các chuỗi cung ứng đang giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, những năm gần đây các nhà sản xuất Trung Quốc đã củng cố vị thế thống trị trong nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, nước này có thể đồng thời giành được thị phần xuất khẩu cao trong cả các ngành công nghệ thấp và công nghệ cao, bao gồm cả những ngành như sản phẩm da, xe kéo và dụng cụ quang học.
Thực tế này phản ánh khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Trung Quốc - vốn đang ngày càng chiếm ưu thế trong bức tranh sản xuất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Nước này chiếm gần 1/2 xuất khẩu các mặt hàng chế tạo của khu vực trong năm 2021, so với chưa đầy 1/3 của 15 năm trước.
Năng lực cạnh tranh đáng nể của Trung Quốc được xây dựng nhờ sự tương tác phức tạp và hỗ trợ lẫn nhau của nhiều yếu tố trong một nền sản xuất quy mô lớn và cá biệt của riêng nước này. Những điều đó cho phép Trung Quốc thúc đẩy cạnh tranh trong nước, đổi mới và chuyên môn hóa cao hơn so với các nước láng giềng.
Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 11/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Kết quả là hiệu quả sản xuất được nâng lên trong khi chi phí thì giảm đi - những bài học và kinh nghiệm mà các đối thủ trong khu vực muốn áp dụng nhưng rất khó. Những lợi ích về quy mô này lại được mở rộng nhờ các chính sách phát triển công nghiệp có quy mô và tham vọng chưa từng có.
Vì vậy, lợi thế sản xuất của Trung Quốc nên được nhìn nhận một cách tổng thể, chứ không nên đưa ra kết luận dựa trên xu hướng của bất kỳ yếu tố cụ thể nào. Chẳng hạn, mức lương tăng nhanh của nước này thu hút nhiều sự chú ý.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng điều này báo hiệu sự mất khả năng cạnh tranh trong các ngành sử dụng nhiều lao động.
Điều đó thực chất phản ánh những cải thiện trong năng suất và sự chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực công nghệ cao hơn. Hơn nữa, số liệu trung bình của cả nước không thể phản ánh sự đa dạng trong cơ cấu lực lượng lao động Trung Quốc, với một bộ phận đáng kể vẫn đang có mức lương tương đối thấp.
Các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang giành được thị phần xuất khẩu trong các ngành công nghệ thấp và thâm dụng lao động, bao gồm cả dệt may. Nói cách khác, những lợi thế trước đây của "công xưởng thế giới” này là rất lớn và áp đảo đến mức chi phí lao động cao hơn không có tác động đáng kể đến khả năng cạnh tranh của Trung Quốc.
Do đó, đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy những nền tảng tạo ra khả năng cạnh tranh của Trung Quốc đang bị “lung lay” hay thậm chí sụp đổ. Thay vào đó, các ngành công nghiệp sản xuất của châu Á vẫn tiếp tục tập trung ở Trung Quốc, và nước này vẫn duy trì vị thế là trung tâm của hệ thống kinh tế khu vực.
Đây là thách thức đối với phần còn lại của khu vực. Sẽ có rất ít quốc gia có thể tái tạo mô hình thành công hoặc tiệm cận với những lợi thế tự nhiên của Trung Quốc. Và điều này sẽ có những hậu quả kinh tế và địa chính trị sâu sắc.
Trước sự thống trị của các sản phẩm Trung Quốc có tính cạnh tranh cao, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải vật lộn để phát triển các lĩnh vực sản xuất chiến lược để đạt được và duy trì tăng trưởng dựa trên năng suất trong dài hạn.
Ngay cả những quốc gia tiên tiến cũng không tránh khỏi áp lực do Trung Quốc tạo ra. Việc các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc mất vị trí dẫn đầu trên thị trường đóng tàu và thiết bị viễn thông toàn cầu cho thấy Trung Quốc có thể tham gia và giành chiến thắng trên các sân chơi mà những quốc gia tiên tiến đang nắm vai trò thống trị.
Vì vậy, sẽ là không thực tế khi cho rằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất đang suy yếu. Các động lực tự nhiên thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của nước này hiện nay vừa quy mô lớn vừa khó thay đổi, đến mức phần còn lại của châu Á dường như đang tham gia vào một cuộc chiến thương mại không công bằng khi Trung Quốc chiếm ưu thế lớn hơn nhiều.
Đây cũng là lý do khiến những nỗ lực để thu hẹp sự phụ thuộc vào Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Điều này thể hiện qua việc các biện pháp đa dạng hóa hàng nhập khẩu gần đây, để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đã bị hạn chế do thiếu các nhà cung cấp thay thế đáng tin cậy.
Điều đáng chú ý là Australia và Ấn Độ, những quốc gia được coi là đối thủ trong khu vực của Trung Quốc, đã gia tăng (chứ không giảm) sự phụ thuộc của họ vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong ba năm qua.
Vị thế “công xưởng thế giới” có thể không được Trung Quốc gây dựng nên như một công cụ địa chính trị có chủ đích. Tuy nhiên, cũng giống như cách mà Mỹ có thể sử dụng vai trò lãnh đạo công nghiệp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai để thúc đẩy lợi ích của mình, sự phụ thuộc của các nước khác vào hàng hóa “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) mang lại cho Trung Quốc quyền lực và ảnh hưởng không nhỏ ở châu Á.
Do đó, bất chấp những dự báo về "ngày tàn" của "người khổng lồ" sản xuất châu Á, Trung Quốc vẫn đang thể hiện vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế khu vực châu Á nhờ các ngành công nghiệp năng động và siêu cạnh tranh.