Quay về eMagazine
Vì sao Cánh đồng lớn “không chịu lớn”?

Vì sao Cánh đồng lớn “không chịu lớn”?

Mô hình Cánh đồng lớn được Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) triển khai ở ĐBSCL hơn 10 năm qua. Song, theo thời gian mô hình này bị thu hẹp dần. Cánh đồng lớn là chủ trương lớn, đúng đắn nhưng tại sao không phát huy được hiệu quả như mong muốn?

Cánh đồng mẫu lớn từng được coi là mô hình sẽ nâng hạt gạo Việt Nam lên một tầm mới, khi tổ chức sản xuất lúa trở thành quy mô lớn, đảm bảo sản lượng và chất lượng đồng đều, kiểm soát được đầu ra đầu vào của cả chuỗi sản xuất lúa gạo cho Việt Nam.

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL chỉ cần xây dựng được cánh đồng lớn trên tổng diện tích gieo trồng hơn 3 triệu ha thì ngành lúa gạo Việt Nam đã có thể chủ động trên thị trường từ dự trữ nguồn hàng đến điều tiết, quyết định giá cả.

Thế nhưng, hơn 10 năm qua mô hình này đã vấp phải vô số khó khăn và khiến Cánh đồng mẫu lớn đang nhỏ lại.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch tập đoàn Tân Long cho rằng, để thực thi cần những mối liên kết chặt chẽ, trong khi trên thực tiễn thì quá mong manh và ai cũng theo đuổi lợi ích riêng của mình.

Là người tâm huyết và gắn bó với ngành lúa gạo nhiều năm qua, theo Ông đâu là nguyên nhân khiến Cánh đồng lớn (CĐL) “không chịu lớn” như hiện nay?

Chủ trương của Nhà nước đối với CĐL là rất đúng đắn và được triển khai rầm rộ từ hàng chục năm qua, nhưng đã bị teo tóp theo thời gian và đang có dấu hiệu giảm rất sâu.

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này đến từ sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hợp tác xã quá mong manh, trong mối liên kết này ai cũng theo đuổi lợi ích của riêng mình mà không có một tiếng nói chung, và gắn kết trách nhiệm với nhau.

Thứ nhất, doanh nghiệp đa phần có động cơ nhất định trong liên kết này, ví dụ như bán vật tư nông nghiệp.

Thứ hai, cũng có nông dân khi giá lúa lên cao đã bán ra ngoài không bán cho doanh nghiệp, và khi giá lúa rớt sâu thì doanh nghiệp lại không mua lúa của nông dân, vì thế khiến chuỗi liên kết không thật sự bền vững.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến CĐL ngày càng bị teo tóp do doanh nghiệp không định vị được tại sao phải làm CĐL nên chưa thật sự tâm huyết cũng như mong muốn có được sản phẩm lúa gạo chất lượng từ CĐL để làm thương hiệu đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, chính sách thuế VAT hiện hành với gạo tiêu thụ nội địa là 5%, là rào cản làm cho HTX và doanh nghiệp kém cạnh tranh so với các cơ sở đại lý nhỏ lẻ không nộp thuế.

Muốn làm CĐL trước tiên doanh nghiệp phải có thị trường đầu ra và thật sự có tâm, cùng với mong muốn sản phẩm trên cánh đồng đó thật sự an toàn, vì trong quá trình canh tác tất cả vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều phải được kiểm soát, sử dụng đúng liều lượng cho phép, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sắp tới chúng tôi cũng sử dụng nguồn phân bón hữu cơ do nội bộ tập đoàn sản xuất từ ngành chăn nuôi heo.Vậy để phát triển được CĐL chúng ta cần phải làm gì?

Để có đầu ra ổn định doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu gạo bán lẻ và mạng lưới thị trường của riêng mình bao gồm cả quan hệ thị trường xuất khẩu, vì vậy họ cần có nguồn cung lúa ổn định từ các CĐL, và tạo được chuỗi liên kết bền vững với người nông dân và hợp tác xã.

Khi đã xác định như thế doanh nghiệp sẽ không nghĩ đến lợi nhuận từ việc bán vật tư hay bất kỳ sản phẩm đầu vào nào, mà chỉ mong muốn có được sản phẩm tốt, an toàn, đảm bảo chất lượng để phục vụ người tiêu dùng.

Tại Tân Long, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ từ cánh đồng đến bàn ăn, thông qua việc tiếp tục mở rộng bao tiêu cánh đồng lúa, đảm bảo quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng các giống lúa xác nhận khi hợp tác cùng những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Và với hệ thống nhà máy được đầu tư bài bản, đáp ứng khả năng lưu trữ và sản xuất gạo quy mô lớn. Đặc biệt, Nhà máy Gạo Hạnh Phúc dự kiến được khánh thành vào cuối năm nay với quy mô lớn nhất Châu Á, công nghệ bảo ôn giúp trữ lúa khô ở nhiệt độ từ 18-20 độ C, có thể duy trì được chất lượng gạo thơm lên đến 12 tháng, đảm bảo chất lượng gạo cao đồng đều, không bị giảm chất lượng khi giao vụ, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm, cạnh tranh về giá thành.

Đến nay, thương hiệu gạo A An của tập đoàn Tân Long đã có hệ thống hơn 50 nhà phân phối và hơn 25.000 điểm bán. Gạo A An đang xúc tiến phân phối tại các hệ thống bán lẻ quốc tế (Nhật Bản, Đức, …)

Năm 2015, diện tích sản xuất của cánh đồng mẫu lớn đạt mức đỉnh điểm với 196.000ha, đến năm 2017 - 2018 chỉ còn 170.000ha, tức là chiếm 1/10 tổng diện tích sản xuất lúa của toàn vùng.
Năm 2015, diện tích sản xuất của cánh đồng mẫu lớn đạt mức đỉnh điểm với 196.000ha, đến năm 2017 - 2018 chỉ còn 170.000ha, tức là chiếm 1/10 tổng diện tích sản xuất lúa của toàn vùng.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bán lẻ gạo nội địa đang phải chịu thuế VAT 5%, những bất cập này đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nêu lên khá lâu nhưng đến nay thuế VAT 5% vẫn chưa thay đổi. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Theo quy định hiện hành, các mặt hàng gạo xuất khẩu đều được áp dụng mức thuế VAT là 0%. Trong khi đó, gạo sản xuất tiêu thụ nội địa vẫn phải chịu thuế 5%, đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ mảng gạo trong nước như chúng tôi là vô cùng lớn. Vì theo chiến lược phát triển thương hiệu gạo A An của tập đoàn đến năm 2025 Tân Long xác định sẽ cung cấp ra thị trường nội địa từ 300.000 – 500.000 tấn gạo.

Nhằm đảm bảo công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo trong nước, VFA đã từng đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế này về mức 0,5%, một mức thuế khá tượng trưng.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, năm 2021 sản lượng lúa của cả nước đạt trên 43,86 triệu tấn, tương đương khoảng 21 - 22 triệu tấn gạo/năm, trong đó gạo dành cho xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn, gạo tiêu dùng (để ăn, làm giống và chăn nuôi) khoảng 11,5 triệu tấn, lượng tiêu thụ qua phân phối lưu thông chỉ khoảng 3,5 triệu tấn.

Trong cơ cấu đó, có khoảng 18 triệu tấn gạo sản xuất ra đang được tiêu thụ mà không phải chịu thuế VAT, còn lại khoảng 3,5 triệu tấn gạo đưa vào kênh phân phối cho người tiêu dùng cuối cùng trong nước là thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5%, chiếm trên dưới 15% tổng sản lượng gạo sản xuất trong nước.

Trên thực tế, số thuế VAT thực thu thấp hơn đáng kể so với tỷ trọng 15% nói trên, do tập quán kinh doanh tiêu dùng mặt hàng gạo của người dân chủ yếu là thông qua hệ thống bán lẻ của tư thương và các chợ truyền thống, vốn chỉ nộp khoản thuế khoán với tỷ lệ thấp hơn nhiều.

Ngân sách thu được không bao nhiêu, trong khi việc áp thuế VAT 5% lại gây khó cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo quy mô lớn trên thị trường nội địa. Tư thương có thể không biết đến khoản thuế này nhưng các doanh nghiệp đều phải nộp đúng, nộp đủ khiến sản phẩm của họ khó cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Dẫn đến không thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu CĐL, làm mất cơ hội xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và tính cạnh tranh của mặt hàng gạo ngay trên sân nhà.

A An là một doanh nghiệp lớn (cũng như nhiều doanh nghiệp làm thương hiệu gạo khác) đang chịu thuế VAT 5% đối với doanh thu bán lẻ gạo (gạo túi). Trong khi các đại lý gạo các nhà máy địa phương bán gạo đi nhiều tỉnh/thành từ trước đến nay đều không khai báo doanh thu bán lẻ.

Để thúc đẩy mô hình CĐL phát triển, Chính phủ cần xem xét cho ngành kinh doanh bán lẻ gạo, đặc biệt là gạo thương hiệu được áp dụng chính sách thuế VAT bằng 0% như là loại hình gạo xuất khẩu và buôn bán giữa các doanh nghiệp.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE