TSMC mở nhà máy chip mới ở Mỹ, "phủ bóng" lên ngành bán dẫn của Trung Quốc

Việc nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) thông báo tăng gấp 3 khoản đầu tư lên 40 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới sản xuất chip công nghệ cao tại bang Arizona (Mỹ) được dự báo sẽ gây sức ép lớn lên Trung Quốc.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tập đoàn TSMC sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip thứ hai, gần nhà máy thứ nhất, để sản xuất chip 3 nanometer (nm) - loại chip tiên tiến nhất hiện nay vào năm 2026. Ông Mark Liu, Chủ tịch TSMC, cho rằng các nhà máy sản xuất này có thể tạo ra 13.000 việc làm công nghệ cao.

Hiện các khách hàng lớn của TSMC là Apple Inc, Nvidia Corp và Advanced Micro Devices Inc đều mong muốn các chip mà họ sử dụng đều được sản xuất tại các nhà máy mới.

Với chủ trương thúc đẩy ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài, tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát. Theo đó, Washington sẽ đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn và công nghệ cao nội địa. Mỹ cũng đã chi hàng chục tỷ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển ngành này.

Theo chuyên gia Alex Capri làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, việc TSMC tăng cường đầu tư và sản xuất chip siêu nhỏ 3 và 4 nm tại các nhà máy ở Mỹ sẽ gây sức ép lớn lên Trung Quốc, do TSMC không được phép sản xuất chip tiên tiến tại Trung Quốc. "Tham vọng tự chủ trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc tiếp tục đối mặt với khó khăn do Mỹ tăng cường nỗ lực bảo vệ công nghệ và chuỗi giá trị bán dẫn", ông Capri nhấn mạnh.

Trong một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu do Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý, tác giả gọi việc TSMC xây nhà máy mới tại Mỹ là một “bước ngoặt tăm tối” cho nền công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu. Thậm chí, bài viết còn cáo buộc Mỹ lừa TSMC xây các nhà máy mới ở bang Arizona và tố Wasington đánh cắp công nghệ quan trọng nhất của mình.

Quảng cáo

Tính đến thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn không đưa ra bất kỳ phản ứng nào về thông tin TSMC xây nhà máy tại bang Arizona. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối đạo luật hạn chế của Washington nhằm vào ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc.

Theo ông Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, đạo luật mới của Mỹ sẽ thu hút vốn, nhân tài và chuỗi cung ứng ngành quay trở lại Mỹ đồng thời giảm đầu tư của các công ty quốc tế vào Trung Quốc.

“Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ làm suy yếu phạm vi tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế của Trung Quốc. Về lâu dài, nó có thể làm cạn kiệt chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng thiếu hụt người tài đối với Trung Quốc”, chuyên gia Gu lý giải.

Trung Quốc không phải là nước dẫn đầu trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu vì nước này còn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Đầu tháng 7, Li Yizhong, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin từ năm 2008 đến năm 2010, cho biết Trung Quốc phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp sản xuất chất bán dẫn và vật liệu để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ sản xuất được loại chip 28 nm được sử dụng chủ yếu trong thiết bị viễn thông, sản xuất ô tô và điện tử tiêu dùng.

Trong tháng 8, công ty tư vấn Canada TechInsights tuyên bố Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) – nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - đã thành công trong việc phát triển quy trình sản xuất chip 7 nm. Trong khi đó, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là chip 3 nm và chỉ có hai công ty dẫn đầu ngành công nghiệp chip thế giới là Samsung và TSCM đạt được.

Một nm - nhỏ hơn cả vi khuẩn - biểu thị khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên chip. Khoảng cách nhỏ hơn có nghĩa là có thể đặt nhiều bóng bán dẫn hơn trên một tấm bán dẫn silicon, giúp tăng hiệu suất đồng thời giảm chi phí cho một con chip điện tử.

Theo Báo Tin tức Sao chép