Định vị thị trường
Sau các phiên tăng điểm khá đồng thuận, sự phân hóa nhẹ đã xuất hiện tại các thị trường chứng khoán châu Á. Tuy nhiên, ở chiều tăng vẫn ghi dấu ấn của NIKKEI 225 (+1,12%), STI (+0,81%) trong đó NIKKEI 225 thể hiện nỗ lực ấn tượng nhất với nỗ lực vươn lên gần vùng đỉnh thời đại.
VN-Index nhờ sự hỗ trợ của nhóm Bluechips cũng ghi nhận biên độ tăng tốt nhất trong khoảng nửa tháng đổ lại. Chỉ số tăng 1,21% lên 1.269,79 điểm.
Chất xúc tác
Dòng tiền giao dịch trên thị trường vẫn chưa bùng nổ với phiên thứ 6 liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên. Tuy nhiên, so với giao dịch trước đó, khớp lệnh của HOSE đã tăng nhẹ gần 9% lên 470 triệu đơn vị. Ở nhóm VN30, khớp lệnh còn tăng 14,55% lên 189 triệu đơn vị, cho thấy tiền lớn đã cố gắng thâm nhập trở lại.
Tỷ trọng tham gia của khối ngoại nhờ đó cũng được giảm bớt xuống còn 12,11%. Khối này thậm chí còn giao dịch cân bằng trên HOSE khi chỉ rút ròng gần 40 tỷ đồng. Một số mã như DSE (+191 tỷ đồng), NLG (+48,6 tỷ đồng), BID (+46,5 tỷ đồng), FPT (+46,25 tỷ đồng) đã giúp cải thiện cán cân giao dịch trong đó FPT còn cắt được chuỗi 19 phiên liên tiếp bị khối ngoại xả ra.
Hiện các biến số tỷ giá và lãi suất vẫn còn tạo ra sự cản trở cho vận động của dòng tiền. Lãi suất liên ngân hàng vừa có những phiên bật tăng khá mạnh lên 4,15% ở kỳ hạn qua đêm và 4,67% ở kỳ hạn 1 tuần. Trong khi đó, tỷ giá tự do dù hạ nhiệt nhưng vẫn còn neo sát mốc 26.000 VND/USD.
Vận động thị trường
Với trạng thái tâm lý yếu, thị trường đang rất cần sự dẫn dắt của các cổ phiếu Bluechips để có thể giúp VN-Index lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn đã bị đánh mất kể từ sau phiên giao dịch 24/6.
Từ phiên hôm qua, đã có sự tham gia của những Bluechips như VRE, MWG nhưng sự thuyết phục của cặp đôi này rõ ràng chưa thể làm hài lòng nhà đầu tư. Và phải sang đến phiên hôm nay, những cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn mới có sự nhập cuộc, đó BID (+4,2%) và VCB (+2,4%) cùng một loạt các cổ phiếu Ngân hàng như LPB (+6,1%), HDB (+4,3%) và MBB, ACB, TCB, MSB, SHB cùng tăng trên 1%.
Tín hiệu của VCB và BID được xem là quan trọng nhất bởi trong nhịp thử sức mốc 1.300 điểm vừa qua, cả 2 đều còn đang trong vận động bất lợi. Không ít nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về vận động của VCB và BID khi quy mô vốn hóa của cặp đôi có sức ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường.
Trạng thái của VCB, BID sẽ vẫn còn được nhà đầu tư theo sát bởi BID mới chỉ có phiên đầu tiên trở lại xu hướng tăng dài hạn còn VCB hiện còn cần nỗ lực hơn.
Dù sao, sự khởi sắc này cũng đem lại những sự khích lệ lên thị trường. VN-Index đã đóng cửa ngay sát mức cao nhất phiên, tăng 15,23 điểm lên 1.269,79 điểm. Thanh khoản đạt 528,47 triệu đơn vị, tương đương 13.982 tỷ đồng.
Nhiều nhóm cổ phiếu đã phản ứng tích cực hơn trong giai đoạn cuối phiên dù phần lớn thời gian thị trường có sự thể hiện khá uể oải. Tại nhóm Thép, HPG (+1,23%), HSG (+1,84%), NKG (+3,55%) đều tăng khá tốt và thậm chí còn có mã tăng trần là SMC.
Nhóm Bất động sản cũng ghi nhận nhiều mã tăng được hơn 2% như NLG (+3,2%), DIG (+2,6%), KDH (+2,4%), PDR (+2,1%), SJS (+2%), DLG (+2%). Nhóm Chứng khoán cũng chứng kiến sự đồng đều từ các mã HCM (+1,9%), FTS (+3%), CTS (+1,4%), SSI (+1,3%) cùng MBS (+1,3%), SHS (+1,2%) trên HNX.
Trên HNX và UPCoM, các mã VCS (+3,4%), PVS (+3,2%), DTD (+2,8%), BSR (+1,8%), MCH (+2%), VGI (+2,7%), VEA (+2,8%), VGT (+2,6%), OIL (+5,8%), ACV (+2,3%) cũng hưởng ứng theo vận động của HOSE. HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 0,94% và 0,28%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 1.800 tỷ đồng.