Thị trường dầu nửa cuối năm 2024: Biến động khó lường giữa nhiều yếu tố đối chọi

Nhiều nhà phân tích thị trường dầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024, nhưng khi OPEC+ tuyên bố bắt đầu dỡ bỏ giới hạn sản xuất khiến thị trường này biến động khó lường giữa nhiều yếu tố đối chọi.

Thị trường dầu thế giới đang diễn biến khó lường trong nửa cuối năm 2024. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như việc Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ và các nước sản xuất dầu đồng minh (OPEC+) điều chỉnh kế hoạch sản lượng, các dự báo trái chiều về nhu cầu dầu hay căng thẳng tại Trung Đông.

OPEC+ điều chỉnh kế hoạch sản xuất: Dấu hiệu cho sự thay đổi thị trường

Một vài tuần trước, nhiều nhà phân tích ngành năng lượng dự đoán giá dầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024, với giá dầu Brent vượt mức 90 USD/thùng. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi OPEC+ tuyên bố bắt đầu dỡ bỏ giới hạn sản xuất hiện tại vào tháng 10/2024, sớm hơn dự đoán của nhiều người.

115922-opec-gia-han-cat-giam-san-luong-den-het-nam-2025.jpg
Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định này của OPEC+ khiến nguồn cung dầu dồi dào hơn, dẫn đến giá dầu giảm. Mặc dù giá dầu Brent gần đây đã vượt mức 85 USD/thùng, song thông tin này đã làm thay đổi triển vọng thị trường dầu toàn cầu trong nửa cuối năm nay.

Nhiều nhà phân tích, trong đó có ông Mark Luschini, chiến lược gia đầu tư của công ty tư vấn tài chính Janney Montgomery Scott, đã dự báo giá dầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm. Giá dầu thô Brent từng tăng 20% từ đầu năm đến giữa tháng 4/2024, lên tới 93 USD/thùng, trước khi giảm xuống dưới 80 USD vào cuối tháng 5/2024.

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu hồi phục tốt hơn dự kiến và triển vọng các ngân hàng trung ương hạ lãi suất khiến nhiều nhà phân tích coi giá dầu giảm là một biến động ngắn hạn.

Theo ông Luschini, hoạt động kinh tế toàn cầu đang diễn ra tích cực hơn dự kiến, trong đó các khu vực ngoài nước Mỹ tăng trưởng và nền kinh tế Trung Quốc ổn định. Tuy nhiên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không cắt giảm lãi suất sớm như các nhà phân tích dự đoán trước đây, trong đó hầu hết các thống đốc Fed hiện chỉ dự kiến một lần cắt giảm lãi suất năm nay, trong khi nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ có nhiều lần cắt giảm lã suất trong năm.

Dự báo trái chiều từ các nhà phân tích

Do sự thay đổi kỳ vọng về thời điểm Fed có thể cắt giảm lãi suất và khả năng OPEC+ tăng sản lượng vào quý IV, ông Luschini đã điều chỉnh dự báo giá dầu Brent trong nửa cuối năm 2024 xuống còn 80-85 USD/thùng.

Không chỉ ông Luschini, nhiều chuyên gia khác cũng dè dặt hơn về triển vọng giá dầu sáng sủa hơn trong nửa cuối năm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đầu tháng này đã hạ dự báo giá dầu Brent trung bình trong năm nay từ mức 88 USD/thùng trước đó xuống còn 84 USD/thùng. Ngay sau đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 khoảng 100.000 thùng/ngày xuống còn 960.000 thùng/ngày.

Quảng cáo
085918-saudi-arabia-opec-se-day-manh-cac-bien-phap-chong-dau-co-tren-thi-truong-dau-mo.jpg
OPEC dự đoán nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, gấp đôi ước tính của IEA. Ảnh: TTXVN phát

Những dự báo trái chiều về nhu cầu có thể ảnh hưởng đến giá dầu. OPEC dự đoán nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, gấp đôi ước tính của IEA. Sự lạc quan này là một trong những lý do khiến OPEC+ tăng sản lượng.

Trong khi đó, các nhà phân tích của J.P. Morgan cho rằng một số quốc gia thành viên OPEC đã vượt quá hạn ngạch sản xuất đã nêu, và nhu cầu theo mùa có thể đẩy nhu cầu dầu thô khoảng 4 triệu thùng/ngày cho đến tháng Tám, làm giảm lượng dự trữ toàn cầu hiện tại.

Về cơ bản, kho dự trữ dầu sụt giảm vào mùa Hè có thể đủ để đưa giá dầu Brent trở lại mức cao khoảng 80-90 USD/thùng vào tháng 9/2024.

Tuy nhiên, dựa trên báo cáo thị trường năng lượng toàn cầu gần đây, ngân hàng đầu tư Jefferies lại không chắc chắn về điều này. Dự báo giá dầu ở mức 84 USD/thùng của Jefferies phản ánh những lo ngại về tình hình địa chính trị giảm bớt, tiêu thụ dầu diesel ở châu Âu giảm và kinh tế Mỹ chậm lại.

IEA cũng dự báo rằng tổng đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch trong năm 2024 sẽ tăng gấp hai lần so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, có khả năng hạn chế đà tăng giá của dầu.

Căng thẳng chính trị có làm giá dầu tăng cao?

Căng thẳng chính trị leo thang vẫn là yếu tố “giữ nhiệt” cho thị trường dầu từ đầu năm 2024 đến nay. Thị trường phần lớn “phớt lờ” nhu cầu xăng dầu yếu tại Mỹ, thay vào đó tập trung vào khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.

Trong diễn biến mới nhất, Israel đã triển khai quân đội tới biên giới phía Bắc khi các cuộc tấn công từ Lebanon gia tăng. Các nhà phân tích của RBC Capital Markets cho rằng khả năng xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Hezbollah và Israel ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nguy cơ Iran tham gia hoặc các cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở năng lượng của Iran đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với nguồn cung năng lượng khu vực.

Hoạt động khai thác khí đốt ngoài khơi của Israel cũng dễ bị ảnh hưởng trước các cuộc tấn công có nguy cơ xảy ra của Hezbollah. Điều quan trọng là nếu Iran can thiệp trực tiếp, nó có thể dẫn đến một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, có khả năng ảnh hưởng đến các tuyến vận chuyển dầu lớn như eo biển Hormuz.

Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu lớn của Nga cũng cho thấy khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ Moskva. Các cuộc xung đột địa chính trị khiến các nhà giao dịch tính thêm phí rủi ro cao hơn vào giá dầu, đồng thời đẩy khả năng thị trường sẽ thắt chặt hơn lên cao trong những tháng tới do nguồn cung dầu bị gián đoạn.

Hai hợp đồng dầu chủ chốt là Brent và WTI đều tăng hơn 6% trong tháng 6/2024. Triển vọng thị trường dầu mỏ đang có xu hướng tích cực trong ngắn hạn. Mặc dù nhu cầu xăng dầu yếu tại Mỹ và việc dự trữ tăng bất ngờ thường gây áp lực lên giá, nhưng những yếu tố này hiện đang bị lu mờ bởi khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Các nhà giao dịch theo dõi sát sao diễn biến ở Trung Đông, vì bất kỳ leo thang nào đều có thể kích hoạt sự gia tăng mạnh về giá. Ngoài ra, các đợt công bố dữ liệu kinh tế sắp tới của Mỹ sẽ rất quan trọng trong việc đánh giá triển vọng nhu cầu và những thay đổi tiềm năng trong chính sách của Fed.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giá dầu giằng co giữa các yếu tố căng thẳng địa chính trị và nguồn cung

Phiên 19/11, giá dầu ít biến động, khi dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga-Ukraine làm dấy lên nguy cơ gián đoạn nguồn cung, nhưng việc mỏ Johan Sverdrup nối lại sản xuất đã hạn chế đà tăng của dầu.

Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động

Áp lực kép từ cung-cầu khiến giá dầu thế giới tiếp tục giảm

Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường.

Chờ kết quả bầu cử Mỹ, giá dầu thế giới tăng khoảng 1% Giá dầu thế giới giảm do đồng USD mạnh lên