Định vị thị trường
Phản ứng với đợt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số châu Á như KOSPI (-1,74%), NIKKEI 225 (-3,3%), HSI (-1,7%) đều tiếp tục bị bán ra, trong khi thị trường Nhật Bản thậm chí đã bị "đạp thủng" đường xu hướng MA100.
Dù đã không đi đồng pha với chứng khoán thế giới trong nhịp tăng vừa qua nhưng khi các chỉ số thế giới có pha đảo chiều, chứng khoán Việt Nam chưa thể có sự tự tin hồi phục. VN-Index lại bị ép xuống trong phiên sáng và chỉ cố gắng thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Chất xúc tác
Sau 7 phiên liên tiếp duy trì được mức khớp lệnh trên bình quân 20 phiên, HOSE đã có phiên đầu tiên để hụt sâu. Khớp lệnh của sàn chỉ đạt 421 triệu đơn vị, giảm 36% so với phiên hôm qua.
Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại cũng đã quay trở lại với hành động bán ròng mạnh (-537 tỷ đồng) trên HOSE. Các mã SSI (-168 tỷ đồng), TLG (-71 tỷ đồng), VHM (-58,44 tỷ đồng), HPG (-40 tỷ đồng) chịu nhiều áp lực nhất trong khi SBT (+76 tỷ đồng), FPT (+24,7 tỷ đồng), BID (+18 tỷ đồng) lại có tiền vào.
Dù vậy, vẫn cần lưu ý với những phiên bơm ròng liên tục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trở lại hệ thống. Trong ngày hôm qua, NHNN bơm ròng 3.876,51 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 79.300 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 47.537,3 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Với áp lực bán ròng mạnh nhất, cổ phiếu SSI (-3,04%) trở thành mã giảm sâu nhất trong VN30, qua đó khiến cho toàn bộ thành quả tăng giá từ đầu năm của SSI đã bị đánh mất. Tính từ đầu năm 2024, SSI đã giảm 2,74%.
Với những mã còn lại trong VN30, áp lực giảm thực tế không còn nhiều với biên độ chủ yếu dưới 2% như CTG (-2%), STB (-1,4%), HPG (-1,3%), TCB (-1,1%), SAB (-1,1%), VIB (-1%)…
Trong khi đó, ở chiều tăng, VIC (+1,7%) đã thể hiện nỗ lực hỗ trợ thị trường từ phiên sáng còn BCM (+3,3%) lại chỉ "vùng lên" từ sau 14h để tiếp sức thêm.
Những diễn biến này cho thấy, nhóm cổ phiếu lớn vẫn đang có những nhân tố thể hiện được ý chí quyết tâm. Nút thắt thanh khoản có thể chưa được giải quyết ngay nhưng việc ổn định tâm lý vẫn là một ưu tiên cấp bách.
Với số đông các cổ phiếu còn lại, biên độ giao dịch cũng gần như đã được thu hẹp lại. Ngoại trừ trường hợp HVN (-6,91%) vẫn chịu áp lực chốt lời lớn, các mã chủ yếu giao dịch trong biên độ +/-1% như HSG (-0,22%), NKG (-0,85%), VCI (-0,45%), VND (-0,95%), GMD (-0,26%), TCH (-0,28%), NVL (-0,88%), DIG (-0,61%), PDR (-0,74%), PC1 (-0,35%)…
Một số mã đã đóng cửa tích cực như HAH (+1,65%), REE (+2,17%), CNG (+2,7%), BFC (+3,41%) và thậm chí tăng trần như TTA, TDC.
Chốt phiên, chỉ số VN-Index chốt phiên giảm 5,28 điểm (-0,43%). Thanh khoản sàn đạt 484,4 triệu đơn vị, tương đương 11.719 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0,39% và 0,02%. Tổng giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.300 tỷ đồng.